Giáo dục Quảng Ngãi: Những bước tiến mới

08:12, 31/12/2011
.

(QNg)- Năm 2011 là năm ngành giáo dục Quảng Ngãi ghi dấu nhiều cuộc “cách mạng”,  đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp “trồng người” trên đất Quảng.  

1.“Vui rồi, bậc học mầm non có cơ hội phát triển rồi em ơi”, các cô giáo đang dạy ở trường mầm non bán công vui không tả xiết khi biết tin tỉnh ta thực hiện chuyển đổi loại hình trường từ mầm non bán công sang công lập. Phải thay đổi chứ, xã hội ngày một phát triển thì giáo dục được chăm lo chu đáo hơn là lẽ đương nhiên rồi. Trong năm 2011, tất cả các trường mầm non bán công ở tỉnh ta đã hoàn thành công tác chuyển đổi sang loại hình trường công lập.

Học sinh Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) tiếp thu kiến thức qua áp dụng phương pháp bản đồ tư duy.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) tiếp thu kiến thức qua áp dụng phương pháp bản đồ tư duy.

Đây là một trong những bước đột phá và là thành công lớn đối với ngành giáo dục. Làm sao không vui khi mà ở nhiều địa phương trong tỉnh, trường mầm non xuống cấp nghiêm trọng nhưng thiếu sự đầu tư bởi lý do là trường bán công. Giáo viên mầm non vất vả trăm bề nhưng thiệt thòi, nhiều chế độ không được hưởng cũng bởi lý do là... bán công. Bậc học mầm non là bậc giáo dục thuộc vào hàng quan trọng bậc nhất, nhưng thực tế cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề nhất và sự đầu tư “nhỏ giọt” nhất. Nhưng vui rồi, những khó khăn nói trên sẽ là dĩ vãng. Đã là trường công lập, các trường mầm non sẽ được quan tâm đầu tư bài bản hơn, trường lớp  học sẽ khang trang hơn, cô giáo và học trò tiếp cận nhiều lợi ích hơn. Chất lượng dạy và học theo đó cũng ngày một nâng tầm.

Cũng trong năm 2011, 6 trường bán công trong tỉnh được chuyển đổi thành trường công lập. Niềm hy vọng mới đặt ra, đã là “con” của hệ thống giáo dục công lập, được đầu tư nhiều thì công tác dạy và học phải cho xứng tầm.

2.   Dư luận xã hội đồng tình ủng hộ chuyện Sở GD&ĐT “mạnh tay” xử lý giáo viên dạy thêm trái quy định. Toàn tỉnh có 11 giáo viên bị đình chỉ giảng dạy tạm thời tại trường và bị Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định xử lý kỷ luật. Ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT đăng đàn lý giải: “Chúng tôi quyết tâm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan, trái quy định. Phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe”. Phải nói rằng đây là một cuộc “cách mạng” đối với ngành giáo dục Quảng Ngãi.

 

Trước đó hàng mấy chục năm, Quảng Ngãi chưa hề xảy ra  trường hợp giáo viên bị xử lý kỷ luật vì lý do dạy thêm trái quy định. Thực tế đã có không ít trường hợp giáo viên bắt ép học sinh học thêm. Học trò mang những đồng tiền đầy mồ hôi, nước mắt của bố mẹ đến nộp tiền học thêm cho thầy, nhưng là học thêm không hiệu quả, vì điểm số, vì thể diện. Mà như thế thì đau xót lắm! Ở vùng cao xa xôi, học trò nhà quá nghèo, ở quá xa nên con đường đến lớp của các em thường xuyên “đứt quãng”. Giáo viên buồn não ruột khi lớp vắng bóng  học trò. Họ băng rừng, lội suối vận động học sinh ra lớp. Họ lấy tiền lương của cá nhân mua sách vở, quần áo để tặng học trò, để các em tiếp bước đến trường, để vùng cao được thắp sáng tri thức.  

3. Tin vui “gặt hái” lúc cuối năm của ngành giáo dục Quảng Ngãi, đó là Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Anh Nguyễn Ngọc Tựu-Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT phấn khởi bảo: “Đây là tin vui lớn đối với ngành giáo dục Quảng Ngãi năm 2011 đấy em”.

 

Đúng là phải quy hoạch, phải có tầm nhìn chiến lược thì mới có cơ sở và chủ động phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề một cách hợp lý, khoa học. Cơ sở vật chất trường lớp học của Quảng Ngãi có bước phát triển lớn, thế nhưng hiện vẫn còn không ít nơi “trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp”. Ở nhiều địa phương, nhất là khu vực vùng cao vẫn còn tình trạng lớp ghép, trường ghép, phòng học tạm, trường học không có nhà vệ sinh… Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là mục tiêu xuyên suốt, là nhiệm vụ cần sự tiếp sức của toàn xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.


 Phương Lý

 


.