Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi: Thực hiện quy chế dân chủ - Nền tảng để phát triển

08:11, 29/11/2011
.

(QNg)- Vài năm trở lại đây, Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi có những bước phát triển vượt bậc, được tỉnh và Bộ LĐ-TBXH đánh giá khá cao. Kết quả đó là minh chứng khẳng định "sức sống" của Quy chế dân chủ khi được Ban giám hiệu nhà trường đưa vào sinh hoạt thường xuyên trong hội đồng giáo viên và các buổi sinh hoạt của học sinh.

Mới thành lập gần 5 năm, nhưng Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi đã được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, trở thành địa chỉ được khá nhiều bậc phụ huynh gửi gắm niềm tin trong việc đưa con em vào học nghề. Hàng năm, trường tuyển khoảng 700 chỉ tiêu hệ trung cấp nghề và tổng lưu lượng học viên của trường gần 2.000 em.
 
 Học viên trong giờ thực hành.
Học viên trong giờ thực hành.

Năm nào nhà trường cũng tuyển đạt 100% chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm tại các KCN, KKT trong và ngoài tỉnh chiếm từ 80-90%. Riêng học viên học nghề may có việc làm 100%. Điều này đối với nhiều cơ sở đào tạo hệ trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh chỉ là giấc mơ. Bởi lẽ, công tác tuyển sinh hệ này trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng cạnh tranh quyết liệt. Từ kết quả đó cho thấy, Ban giám hiệu, CBVC nhà trường, trong nhiều năm qua đã có sự cố gắng nhất định trong việc xây dựng thương hiệu cho đơn vị. "Sự đồng thuận, đoàn kết, biết lắng nghe và kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm là yếu tố giúp nhà trường có được như ngày hôm nay.

Ngay từ khi trường mới thành lập, đi đôi với việc xây dựng chiến lược phát triển, Ban giám hiệu còn đưa Quy chế dân chủ vào trong nhà trường, coi đây là “bửu bối” để đơn vị thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra trong từng năm học"- ông Trịnh Minh Đức- Hiệu trưởng nhà trường tự hào, nói. Cũng theo ông Đức, đây là trường nghề nên mỗi CBVC nhà trường phải thực sự là một tấm gương sáng trong làm việc, giảng dạy và sinh hoạt đời thường, để vừa là người thầy truyền nghề, định hướng nhân cách làm người, nhưng đồng thời cũng là người cha, người bạn của học viên. Như thế mới có điều kiện gần gũi nắm bắt, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng cũng như những sai lầm của học viên, nhằm giúp các em ngày một trưởng thành hơn.

Được biết, lúc mới thành lập (năm 2007), trường chỉ có 43 CBVC lao động. Nhưng sau gần 5 năm hoạt động, con số này đã vượt lên 81 người, trong đó có 56 giáo viên tham gia giảng dạy và 25 cán bộ quản lý. Chi bộ nhà trường đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của nhà trường. Nhiều năm liền được đánh giá là chi bộ trong sạch vững mạnh. Từ chỗ chỉ có vài đảng viên, đến nay chi bộ có 18 đồng chí, trong đó có 4 đảng viên dự bị. Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo nghề trong giai đoạn mới, đi đôi với việc đầu tư cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, trường còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể là, củng cố Ban giám hiệu, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên chuẩn có tay nghề cao. Nhờ vậy mà đến nay, toàn trường có 17 cán bộ, giáo viên đi học cao học; 18 cán bộ, giáo viên đã và đang học đại học (kể cả văn bằng 2)... Để làm được điều này, Ban giám hiệu đã họp công khai để CBVC biết phấn đấu. Một thành công nữa đối với nhà trường là khi đưa Quy chế dân chủ vào trong sinh hoạt nhà trường đã góp phần thực hiện tiết kiệm nhiều khoản chi để tạo thêm nguồn kinh phí chi trả lương cũng như các khoản hỗ trợ khác cho các CBVC đi học.

Ông Trịnh Minh Đức cho biết, những phiếu góp ý xây dựng trường của cán bộ, giáo viên, học viên và phụ huynh gửi đến thùng thư của nhà trường đều được Ban giám hiệu tập hợp đầy đủ và đóng tập cẩn trọng. Đối với những vấn đề bức xúc, trường chỉ đạo giải quyết ngay. Còn những vấn đề có tính lâu dài, nhà trường sẽ trả lời trong dịp hội nghị CBVC đầu năm hoặc trong dịp sơ kết, tổng kết năm học. Những vấn đề CBVC, người lao động hay góp ý, thắc mắc như chi tiêu nội bộ, công tác cán bộ và quản lý tài sản, quản lý học viên, công tác tuyển sinh... "Giáo viên là những người trực tiếp tiếp xúc với học viên nên hơn ai hết họ là người hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như khả năng của học viên. Vì vậy, những đề xuất của họ luôn xác thực và là những ý kiến hay để Ban giám hiệu nhà trường tham khảo và đưa vào công tác quản lý chung của nhà trường"- Ông Đức nói.

Anh Huỳnh Việt Hùng- Trưởng Phòng Tổ chức- Hành chính- Tổng hợp thổ lộ: "Nhờ đưa quy chế dân chủ vào sinh hoạt thường xuyên trong nhà trường nên đã giúp cho đội ngũ CBVC hiểu được những quy định của Nhà nước, các quy chế hoạt động, chi tiêu nội bộ đều được đưa ra bàn bạc công khai, tạo mối quan hệ đoàn kết, gần gũi giữa lãnh đạo với nhân viên, học viên và phụ huynh". Còn với cô giáo Lê Thị Bích Giang- Trưởng Khoa may thì tâm sự, lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe và giải đáp những thắc mắc cũng như tiếp thu những đóng góp có ích của cấp dưới. Nhờ đó mà trường đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo niềm tin cho phụ huynh yên tâm cho con em đăng ký vào học.

Chị Hoa - phụ huynh của em Đinh Duy Mạnh cho biết thêm "Hàng năm, Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi đều tổ chức họp phụ huynh- một điều rất hiếm thấy ở các cơ sở đào tạo nghề khác trên địa bàn. Trong cuộc họp, Ban giám hiệu giới thiệu cho các bậc phụ huynh hiểu hơn về công tác đào tạo của trường cũng như công khai các khoản thu và việc học tập của con em để gia đình biết, phối hợp với nhà trường trong việc quản lý học sinh. Vì thế chúng tôi rất tin tưởng khi cho con học ở đây".

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

.