Giáo dục nghề phổ thông: Nghịch lý "nặng" và "nhẹ"

10:11, 11/11/2011
.

(QNg)- Môn nghề trở nên "nặng ký" đối với học sinh (HS) khi giúp các em vượt vũ môn trong kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp hoặc thi chuyển cấp, tất nhiên đây không phải là mục đích chính khi Bộ GD&ĐT đưa vào giảng dạy bộ môn này. Và thực tế lại tồn tại nghịch lý là môn học này bị "xem nhẹ" bởi chính người dạy và học. 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoạt động giáo dục nghề phổ thông bắt buộc phải triển khai đối với HS khối lớp 8 (75 tiết) và lớp 11 (105 tiết). Học sinh bắt buộc phải học, nhưng không bắt buộc thi. Nếu không học thì xem như HS không hoàn thành chương trình. Tuy nhiên, đối với HS "làm siêng" thi, nếu đạt yêu cầu thì sẽ được cộng điểm trong kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

* Điểm "phòng thân"

Một học sinh khối lớp 11 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh) bộc bạch: "Thi tốt nghiệp THPT nếu thiếu 0,5 điểm cũng rớt. Đã học nghề thì tội gì không đăng ký thi để được cộng điểm. Có điểm nghề phòng thân vẫn hơn". Đây không chỉ là lối suy nghĩ của một hoặc hai học sinh, mà là của đại đa số học sinh. Đã học thì tội gì không thi để được cộng điểm, đó là tâm lý không thể tránh khỏi đối với học sinh. Tâm lý này nảy sinh từ cơ chế "cộng điểm khuyến khích" của Bộ GD&ĐT. Ngay cả đối với học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết, mặc dù với học lực của các em thì vượt cửa ải tốt nghiệp THPT chẳng có gì đáng ngại, nhưng đã học thì "tội gì không thi". Thầy giáo Trần Đình Vợi-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, cho biết: "Trường dạy môn Tin học và Gia chánh. Học sinh rất thích thú với việc học nghề. Học để biết và các em đều tham gia dự thi".  
 
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng học nghề Tin học.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng học nghề Tin học.

Ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, một trong những minh chứng cho thấy sự "nặng ký" của môn nghề, đó là có khoảng 10% học sinh của trường thi đỗ tốt nghiệp THPT nhờ sự "cứu vớt" của điểm học nghề. Thầy giáo Trần Quang Hồng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tình thật bảo: "Chất lượng học sinh đầu vào còn thấp, nên nhiều HS của trường học nghề để được cộng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp". Hiệu trưởng của một trường THPT khác trong tỉnh cũng cho rằng: Học sinh bị ràng buộc học nghề bởi vì có điểm cộng.

* Môn học bị xem nhẹ!

Mục đích Bộ GD&ĐT triển khai hoạt động giáo dục nghề là để trang bị cho học sinh kiến thức bước đầu về nghề nghiệp, để các em có sự chuẩn bị dần cho tương lai. Là môn học bắt buộc trong nhà trường và đối với học sinh là bộ môn để lấy điểm "phòng thân", thế nhưng thực tế thì môn học này bị xem nhẹ và tồn tại nhiều bất cập.

Bộ GD&ĐT đưa ra danh mục hơn 10 ngành nghề khác nhau để nhà trường tổ chức giảng dạy dựa trên cơ sở đảm bảo về vật chất và nguyện vọng của học sinh. Tuy nhiên, phần lớn các trường không thể để học sinh thoải mái chọn nghề theo sở thích, mà chỉ giới hạn từ 2-4 nghề để HS chọn vì cơ sở vật chất không đảm bảo và thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn để dạy nghề. Thường thì các trường dạy các môn: Tin học, điện, bảo vệ thực vật, gia chánh. Thực tế cho thấy, nhiều trường không tổ chức dạy nghề, mà "chuyển" nhiệm vụ này cho trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và dạy nghề huyện, thành phố. Ngay cả đơn vị chuyên nghiệp trong công tác dạy nghề như trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và dạy nghề cũng không thể đáp ứng sở thích của HS trong việc chọn nghề để học, mà chỉ "gói gọn" trong một số ít nghề. Ông Đặng Văn Giữ- Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và dạy nghề huyện Sơn Tịnh, cho biết: "Trung tâm chỉ đưa ra 4 ngành để HS chọn: May, điện, tin học, gia chánh. Còn các ngành khác do không có thiết bị nên không thể tổ chức giảng dạy".

Về phía nhà trường thì dường như tất cả đều tạo điều kiện cho HS học nghề để được cộng điểm, để các em không phải chịu thiệt thòi nếu chẳng may thi tốt nghiệp hoặc thi chuyển cấp không đủ điểm đậu, và để thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với đa số học sinh dẫu điểm cộng từ học nghề là quan trọng, là "điểm phòng thân", song vẫn là bộ môn bị xem nhẹ, học theo nghĩa "cho có với người ta". Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Trần Quang Hồng, lo ngại: "Nhìn chung, các em vẫn xem nhẹ việc học nghề phổ thông. Nhiều em bỏ học nghề nhiều buổi để đi chơi, trong khi gia đình cứ nghĩ con em mình đi học nghề…". Thực tế cho thấy hoạt động dạy nghề phổ thông hiện nay không phát huy tốt hiệu quả. Trong khoảng thời gian có hạn, học sinh nếu chưa thể lành nghề thì cũng trang bị cho mình hành trang bước đầu về nghề nghiệp trên cơ sở nhận thức nghiêm túc, nhưng thực tế chỉ "nhằm" vào-việc-cộng-điểm.

Bài, ảnh: Phương Lý

.