Chuyện ông giáo Vàng

01:11, 20/11/2011
.

(QNg)- Học trò Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) thường gọi thầy giáo Trần Văn Vàng dạy môn lịch sử bằng cái tên thân mật, trìu mến: “Ông giáo Vàng”. Thấy thầy giáo Vàng vừa vào tới cổng trường, lũ trẻ nhanh chóng vòng tay, kính cẩn:“Chúng em chào thầy ạ!”. 

Từ ước mơ làm ông giáo làng, thầy giáo Trần Văn Vàng đã trở thành người thầy đáng kính của lớp lớp thế hệ học trò trong suốt hơn 30 năm qua. Thầy dạy học trò với tất cả tình yêu thương. Thầy giáo Trần Văn Vàng chính là người đã biên soạn tài liệu lịch sử địa phương. Đây là giáo trình giảng dạy của các trường THCS trên địa bàn huyện Mộ Đức.

* Ánh mắt và tình thương

Ở Trường THCS Đức Chánh, ông giáo Trần Văn Vàng là bậc cao niên, là người gắn bó với trường lâu năm nhất. Tuổi khai sinh ông chỉ mới 53, nhưng tuổi mụ thì đến gần 60. Trông ông giáo Vàng hiền hậu, nhân từ, ấy thế mà học trò sợ ông đến tái mặt, thậm chí là “ghét”, nhưng rồi lại thương và kính trọng. Đây chính là cái hay, cái lạ trong cuộc đời hơn 30 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” của ông giáo Trần Văn Vàng. Nói đến cụm từ “gõ đầu trẻ”, thầy giáo Vàng dứt dạt: “Thầy chưa một lần đánh học trò, chỉ dùng tình thương để giáo dục các em nên người”. 
 
Ông giáo Vàng đã sử dụng giải pháp “tình thương” để giáo dục, uốn nắn những học trò cá biệt. Ông nghiêm khắc đối với học trò qua từng lời nói, ánh mắt. Và rồi, ông lại mềm mỏng yêu thương học trò như chính đứa con ruột thịt trong gia đình. Thầy giáo Trần Văn Vàng đã thành công với phương pháp giáo dục “vừa mềm mỏng, vừa cương quyết nhưng không dùng bạo lực”.

Năm học 2009-2010, thầy giáo Vàng được ban giám hiệu giao nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8B-lớp học mà nhiều thầy cô ngán ngẩm bởi có nhiều học sinh thuộc vào hàng “bất trị” và học lực của học sinh cũng thuộc tốp tệ nhất trường. Sau một thời gian chịu sự giáo dục của thầy Vàng, học sinh lớp 8B đã có những chuyển biến tích cực, các em ngoan hiền và chăm học trông thấy. Năm rồi, học trò lớp “đặc biệt” này thi vào 10 chỉ có duy nhất một học sinh bị khuyết tật thi rớt, còn lại các em đều mang đến niềm vui cho bố mẹ, thầy cô. Năm học này, thầy giáo Vàng chủ nhiệm lớp 9C. Đây cũng là lớp “quy tụ” nhiều học sinh cá biệt.

 Với phương pháp giáo dục của thầy Vàng thì lớp học bao giờ cũng vào nếp “bình yên”, học trò lại ngoan hiền, chăm học. Em Nguyễn Hoàng Quốc (học sinh lớp 9C) tâm sự: “Lúc đầu tụi em rất ghét thầy, nhưng sau đó lại thương và quý trọng thầy. Thầy Vàng rất tốt bụng, rất thương chúng em. Chúng em lỡ làm điều sai, chỉ nhìn vào ánh mắt của thầy không thôi cũng đủ để tự mình nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa”.  

* Lớn tuổi nhưng không lạc hậu

Nhiều người cứ bảo lớn tuổi “sinh ra” lạc hậu. Thế nhưng với ông giáo Vàng thì không như thế. Đứa con đang học đại học của thầy Vàng thắc mắc khi thấy bố cặm cụi bên máy vi tính: “Lớn tuổi rồi, bố nghiên cứu công nghệ thông tin chi cho nhiều, vất vả lắm”. Thầy giáo Vàng cho rằng: “Đâu phải lớn tuổi là không làm được, chỉ tại mình không chịu nghiên cứu thôi con à”. Thầy giáo Vàng là người đầu tiên ở Trường THCS Đức Chánh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy thông qua sử dụng máy chiếu.

Lớn tuổi nhưng ông giáo Vàng chịu khó mày mò, nghiên cứu. Năm 2008, trong suốt 1 năm ròng, bên cạnh công tác đứng lớp, ông nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu, rong ruổi khắp nơi “săn” hình ảnh để hoàn thành việc soạn thảo tài liệu lịch sử địa phương theo sự chỉ đạo của cấp trên. Tài liệu giáo dục lịch sử địa phương dành cho học sinh bậc THCS do thầy giáo Vàng biên soạn được triển khai giảng dạy ở tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện Mộ Đức. “Các em cần được biết lịch sử quê hương mình, đó là điều không thể thiếu, để các em tự hào về nơi mình đã sinh ra…”, thầy giáo Vàng bộc bạch. Thầy giáo Vàng dạy lịch sử với tất cả niềm đam mê. Trong mỗi tiết học, học trò như thể cùng thầy quay lại những tháng ngày được khắc ghi trong lịch sử qua từng lời giảng của thầy. Lạ thay mỗi lần dạy bài: “Bác Hồ ra đi năm 1969”, thầy giáo Vàng không sao cầm được nước mắt. Dưới lớp, học trò cũng ngân ngấn nước mắt.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), một học sinh lớp 9C Trường THCS Đức Chánh đã viết lên dòng suy nghĩ trong tờ báo của lớp nói về thầy giáo Vàng: “Thầy giúp chúng con vượt qua bao khó khăn. Thầy ơi! Con chắc một điều rằng chúng con sẽ mãi mãi không bao giờ quên thầy, một người thầy hết lòng vì học sinh…

Thầy ơi, chúng con yêu thương thầy nhiều lắm!”. Ông giáo Vàng rưng rưng nước mắt khi đọc những dòng tâm tư của học trò. Chợt, ông lại cười - một nụ cười hạnh phúc và đầy mãn nguyện. Ông giáo Vàng bảo: “Nghề giáo là nghề thanh cao. Muốn được học trò và xã hội tôn vinh thì giáo viên phải gương mẫu về đạo đức, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ để việc dạy học không giống như phủi bụi. Hạnh phúc nhất của người thầy là khi học trò ngoan hiền, học giỏi và thành đạt”. Đây là bài học ông giáo Vàng đúc kết trong suốt hơn 30 năm làm nghề giáo viên.

Phương Lý

.