Đình chỉ hoạt động đào tạo trường cao đẳng không tuyển sinh sau 3 năm thành lập

02:10, 05/10/2011
.

Sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Điều lệ trường cao đẳng - Ảnh minh họa
Sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Điều lệ trường cao đẳng - Ảnh minh họa
Đây là điểm mới được nêu tại Thông tư 43/2011/TT- BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT về Điều lệ trường cao đẳng.

Cụ thể, thay vì 2 trường hợp Trường cao đẳng bị đình chỉ hoạt động đào tạo là: Vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ; Vì lý do khách quan nhà trường không thể bảo đảm hoạt động bình thường đáp ứng yêu cầu của trường cao đẳng, thì theo Thông tư 43 mới được ban hành, có 5 trường hợp bị đình chỉ: 1- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động đào tạo; 2- Không bảo đảm một trong các điều kiện đăng ký hoạt động; 3- Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền; 4- Sau 3 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, nhà trường không tuyển sinh và tổ chức đào tạo; 5- Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục, bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ đình chỉ.

Bên cạnh đó, Thông tư 43 cũng nêu rõ quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải chỉ rõ lý do, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi của giảng viên, sinh viên và người lao động trong trường. Quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau thời hạn đình chỉ, nếu trường cao đẳng khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cho phép nhà trường hoạt động đào tạo trở lại.

Đăng ký tên trường bằng tiếng Việt và tiếng Anh

Thông tư 43 quy định, tên trường cao đẳng được đăng ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm các thành phần: Trường cao đẳng + tên lĩnh vực hoặc ngành đào tạo chính (nếu cần) + tên riêng.

Tên riêng là tên địa phương; tên danh nhân văn hoá, lịch sử; tên cá nhân, tổ chức nếu được địa phương, cá nhân, tổ chức chấp thuận và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

Tên trường cao đẳng không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của các trường cao đẳng, trường đại học đã đăng ký, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân và tổ chức khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Các trường cao đẳng cần đăng ký bảo hộ tên trường rút gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ 20/11/2011.

 Theo VGPNEWS

.