Xóm “đại học”

02:03, 04/03/2011
.

(QNĐT) - Về xóm 9, thôn La Châu, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), chúng tôi thật sự ấn tượng bởi vẻ thanh bình, yên ả ở nơi đây. Những ngôi nhà mới khang trang ẩn mình trong vườn cau rợp bóng xanh mát dịu, gợi nên hình ảnh của một làng quê hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Và đặc biệt hơn khi xóm được chính quyền và người dân nơi đây gọi bằng cái tên rất đáng tự hào là “xóm đại học”.

* Niềm hy vọng của xóm

Theo chân ông La Quang Thiệu-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nghĩa Trung chúng tôi đến thăm nhà cụ Trần Duân (83 tuổi), một trong những gia đình có truyền thống hiếu học trong thôn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp bốn khang trang, “phủ kín” hoa kiểng do các con xây dựng để ông an dưỡng tuổi già, mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, tai không còn nghe rõ nhưng cụ Duân vẫn còn minh mẫn để kể vanh vách về quãng đời khó nhọc nuôi các con ăn học.

Vợ chồng ông Duân có 6 người con (4 gái, 2 trai). Vốn đông con nên ông bà gian nan và cơ cực trăm bề, chạy ăn từng bữa. Dù nghèo khó là thế nhưng 4 trong 6 người con của ông bà rất ham học. 

Ngày hay tin con trai trưởng Trần Tùng Lâm  thi đậu vào Trường Đại học Tài chính - Kế toán TP. Hồ Chí Minh ông vừa mừng vừa lo vì không biết rồi đây lấy đâu ra tiền cho  con ăn học.
 
ddd

Chính nghị lực phi thường, sự hy sinh thầm lặng của những người cha, người mẹ, người anh, chị… là nguồn  động viên lớn lao, chắp cánh cho bao ước mơ của thế hệ trẻ bay cao và bay xa.

Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình và không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ,  anh Lâm luôn cố công học tập, những năm tháng ngồi trên ghế trường đại học anh luôn nhận được học bổng. Thăng trầm vất vả rồi cũng qua đi, ra trường anh xin về Trường Cao đẳng Tài chính-Kế toán Quảng Ngãi giảng dạy. Anh Lâm lại tiếp tục vừa làm vừa nuôi các em vào đại học.

Cứ thế các con ông lần lượt dắt nhau vào giảng đường đại học và giờ đây anh Lâm đã là tiến sỹ. Ông Duân tâm sự: “Lúc đó, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc nhưng thấy tụi nhỏ ham học quá mình không đành để tụi nó thất học. Dù trải qua những tháng ngày vất vả nhưng giờ được làm cha của “tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư” với tôi không còn gì hạnh phúc hơn. Chỉ tiếc rằng hai đứa con gái lớn cũng học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên chúng đành hy sinh để cho các em được đến trường”.

Còn gia đình chị Lê Thị Thanh Nga, có chồng bị động kinh, đứa con gái giữa bị bệnh bại não nằm một chỗ đã 20 năm qua, nhưng chị vẫn tần tảo sớm hôm nuôi 2 con học hành tử tế. Chị Nga khoe “Con bé Thủy nhà tôi học giỏi lắm! Ngày đi thi đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh về nó bảo: “Con đậu chắc chắn rồi mẹ ơi”, tôi cứ nghĩ nó đùa, nhưng không ngờ nó được tới 25 điểm. Biết nhà nghèo, bố và em lại bị bệnh nên hết giờ học nó lại cật lực dạy thêm để không phải xin tiền mẹ”.

*Thi nhau cho con vào đại học

Nghĩa Trung là một xã đồng bằng nằm gần trung tâm huyện lỵ, tuy vậy là một xã thuần nông. Cũng như bao người dân trong xã, bà con ở xóm 9 (thôn La Châu) chủ yếu làm nông nghiệp nên đời sống của người dân chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai... Thế nhưng việc học hành của con em luôn được đặt lên hàng đầu.
 
Sau mùa thu hoạch, bỏ lại gánh nặng ruộng đồng, nhiều người cha, người mẹ lại tranh thủ thời gian nông nhàn thẳng tiến vào Nam làm thêm đủ nghề như buôn ve chai, phụ hồ, bán vé số, bán hủ tiếu… để kiếm thêm thu nhập cho con vào đại học với một sự kỳ vọng lớn lao và quyết tâm “thà bố mẹ đói ăn, đói mặc chứ không để con đói chữ”.

Chính sự không cam chịu số phận, nghị lực phi thường, những hy sinh thầm lặng của những người cha, người mẹ, người anh, chị… là nguồn  động viên lớn lao, chắp cánh cho bao ước mơ của thế hệ trẻ bay cao và bay xa.
 
ggg
“Ở đây đất khô cằn, làm ruộng không đủ ăn, chính vì thế, những người làm cha làm mẹ quyết chí thi nhau cho con vào đại học.

Trong câu chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi nhận ra vẻ mặt rạng ngời niềm tự hào. Ông Phan Văn Phải - Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch Hội khuyến học xã lấy quyển sổ công tác nhẩm tính những gia đình hiếu học: Nhà cụ Duân có 1 con tiến sỹ, 1 con thạc sỹ, 1 người kỹ sư; nhà anh Tâm có 2 thạc sỹ kinh tế, 1 cử nhân đang công tác ở Ngân hàng Công thương Quảng Ngãi; nhà anh Thiện - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã có 2 kỹ sư xây dựng, 1 đứa cử nhân Anh văn, 1 kỹ sư Hóa học…
 
Ông Phải khoe: “Nhiều lắm nhà báo ơi! Đếm không xuể đâu. Giàu thì dân mình thua kém nơi khác nhưng khoản học thì chẳng thua ai”.

“Ở đây đất khô cằn, làm ruộng không đủ ăn, chính vì thế, những người làm cha làm mẹ quyết chí thi nhau cho con vào đại học. Xóm này có khối cử nhân, kỹ sư chỉ tiếc rằng chưa có bác sỹ. Không phải tụi nhỏ không có khả năng làm bác sỹ mà vì học ngành y dược học tốn kém mà chúng tôi thì làm nông nên không đủ khả năng trang trải” - ông Thiệu Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã giải thích.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết xóm 9 chỉ có gần 150 hộ dân, nhưng xóm đã “sở hữu” được 4  tiến sỹ, 3 thạc sỹ, 150 sinh viên đại học và cao đẳng. Trong kì thi đại học cao đẳng vừa qua, xóm có 9  em dự thi thì đã có 8 em đậu đại học với số điểm khá cao. So với nhiều “làng, xóm đại học” khác trên cả nước, có lẽ số lượng sinh viên của xóm chưa bằng. Nhưng đó cũng là một thành tích rất đáng tự hào. 

Bài, ảnh:Ái Kiều
 
 

.