Cần xử lý mạnh các vi phạm về ATVSLĐ - PCCN

09:03, 18/03/2011
.

(QNĐT)- Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 46 vụ tai nạn lao động, làm chết trên 30 người, bị thương trên 50 người. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm xảy ra từ 17-19 vụ cháy nổ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tình trạng tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, nhưng vẫn chưa có biện pháp hạn chế.
 
Tai nạn lao động không kể ai
 
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Điều đáng nói là những vụ tai nạn lao động không chỉ xảy ra đối với những công nhân nghèo chưa được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, mà còn xảy ra với cả những công nhân ở những đơn vị được xem là có trang bị bảo hộ lao động. 
 
Người lao động phổ thông
Lao động phổ thông luôn đối diện với hiểm nguy bởi không được trang bị bảo hộ lao động và an toàn lao động.
 
Mới đây, ngày 6/1/2011, một công nhân Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất khi đang hàn trên một chiếc tàu thì ngọn lửa nơi anh làm việc bốc lên, kèm theo đó là một tiếng nổ to. Sau khi vụ cháy nổ xảy ra, dù đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Dung Quất và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nhưng do vết bỏng quá nặng nên nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. 
 
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn lao động tại đơn vị này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cũng tại đơn vị này, mới đây cũng đã xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một công nhân phải đi cấp cứu. 
 
Ngày 11/1/2010, tại thôn Xuân Hòa, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm chết một công nhân của ngành điện. Đó là trường hợp của anh Mai Đình Tuấn (SN 1984) ở Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, khi đang thi công đường dây điện 220 kV đã bị dây cáp đứt cắt ngang cổ, chết tại chỗ. 
 
Một thực tế cho thấy, hiện nay người lao động, nhất là lao động phổ thông, ngoài việc không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, thì hầu như họ chưa hề được trang bị một kiến thức nào về an toàn lao động. Chính vì vậy, đây là những đối tượng thường xuyên bị tai nạn lao động.  
 
Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 21/1/2008 tại cây xăng thuộc thôn Châu Me, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ. Trong khi đổ bê tông sàn của công trình này thì toàn bộ dàn dưới bị sập, vùi 5 người trong đống bê tông. Người dân đã kịp thời cứu được 3 người còn 2 người thì chết tại chỗ.
 
Ngày 30/7/2010 lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn do sập dàn giáo nữa khiến 1 người chết tại chỗ, 5 người khác bị thương nặng. Đó là vụ tai nạn tại số nhà 73 Trương Quang Trọng, phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi.
 
Báo động về tình trạng cháy nổ
 
Cùng với tai nạn lao động thì vấn đề cháy nổ cũng xảy ra thường xuyên, thậm chí đến mức báo động. Theo cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Quảng Ngãi thì trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có từ 17-19 vụ cháy nổ. Điều đáng nói là nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại rất nghiêm trọng. 
 
Hỏa hoạn đã thiêu rụi cơ sở sản xuất gối bông tại Sơn Tịnh
Do chủ quan nên hỏa hoạn đã thiêu rụi cơ sở sản xuất gối bông tại Sơn Tịnh vào cuối năm 2010.
 
Có thể kể đến là vụ cháy Chợ Châu Ổ, huyện Bình Sơn gây thiệt hại trên 27,7 tỷ đồng; cháy tại Nhà máy sản xuất tinh bột tại xã Tịnh Phong gây thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ cháy, trong đó cháy khu dân cư 15 vụ, cháy trong cơ quan, doanh nghiệp 7 vụ, còn lại là cháy ô tô 1 vụ; cháy rừng... làm chết 1 người, bị thương 2 người, tổng thiệt hại do cháy nổ gây ra trên 3,5 tỷ đồng.
 
Theo cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy, thì hiện ý thức trong công tác phòng chống cháy nổ của người dân và cán bộ còn rất kém.  Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa trang bị cho mình phương tiện phòng cháy chữa cháy và kiến thức phòng chống cháy nổ. Chính vì vậy khi xảy ra cháy nổ thì trở nên lúng túng, không xử lý kịp. 
 
Xử lý vi phạm chưa đủ mạnh
 
So với nhiều tỉnh thành trong cả nước thì vài năm gần đây, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 2.500 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động mỗi năm. 
 
Tuy nhiên, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong điều kiện an toàn rất kém, rủi ro cao và ô nhiễm môi trường trong sản xuất đang bào mòn sức khỏe người lao động. Tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng ở mức cao. Nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ việc phát hiện, điều tra, xử lý các doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm môi trường lao động, tai nạn lao động còn chưa nghiêm, mức xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.
 
Nhiều lao động làm việc trong điều kiện độc hại nhưng lại không được hưởng chế độ và khám bệnh định kỳ.
Nhiều lao động làm việc trong điều kiện độc hại nhưng lại không được khám bệnh định kỳ.
 
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tiến hành kiểm tra 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, kết quả cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều có vi phạm về công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ.
 
Một số doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động và cấp thẻ an toàn cho người lao động. Vì lợi nhuận của mình mà nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến người lao động, chưa bồi dưỡng nặng nhọc và độc hại cho người lao động. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Điển hình là Công ty TNHH Guanglian; Công ty TNHH giấy Hải Phương, Công ty cổ phần Sơn Mỹ, Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi...
 
Có thể nói, tình hình tai nạn lao động cũng như cháy nổ ở tỉnh ta xảy ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên đến nay việc xử lý các đơn vị vi phạm vẫn chưa nghiêm. Chính vì vậy, để giảm số vụ tai nạn lao động ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền thì ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.