Gian nan “cuộc chiến tìm trò”

11:02, 21/02/2011
.

(QNg)- Mặc dù Tết Nguyên đán Tân Mão đã qua hơn nửa tháng, thế nhưng nhiều học sinh ở huyện vùng cao Sơn Tây vẫn còn "chưa muốn" đến lớp. Tại 8 điểm trường THCS của huyện số học sinh vắng học lên đến 30-40%. Thầy cô giáo, chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể đang vào cuộc vận động để đưa học sinh ra lớp, nhưng "cuộc chiến tìm trò" ở huyện vùng cao này xem ra còn lắm gian nan. 

Vượt núi tìm trò…
Chúng tôi vượt quãng đường gần 100km đến huyện Sơn Tây, rồi tiếp tục chặng đường vượt dốc để đến tiếp cận các điểm trường ở các xã khó khăn của huyện như: Sơn Màu, Sơn Liên, Sơn Mùa… mới thấy được sự vất vả của nhiều giáo viên ở nơi đây. Sau Tết, hầu hết các trường ở Sơn Tây không đảm bảo đủ số lượng học sinh đến lớp, đặc biệt ở các điểm trường THCS trên địa bàn huyện, số học sinh đi học chỉ đảm bảo ở mức 60%.
 
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân đang vận động học sinh ra lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân đang vận động học sinh ra lớp.

Tại điểm trường Sơn Mùa, một xã cũng không quá xa trung tâm huyện, chúng tôi chứng kiến sự "thưa thớt" của các lớp học. Thầy cô giáo ở đây lắc đầu ngao ngán, vì vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa phải băng rừng lội suối đến từng nhà học sinh để vận động ra lớp. Hiện trường THCS Sơn Mùa có 271 học sinh gồm 8 lớp, chia làm 4 khối lớp, thế nhưng chỉ có hơn một nửa số học sinh đến lớp, học sinh vắng học ở điểm trường này rơi vào khối lớp 8 và 9. Tại lớp 8B (40 học sinh), nhưng lớp học không tới 30 học sinh, sự vắng bóng của các cô, cậu học trò đang tuổi ômai không chỉ gây khó khăn cho công tác giảng dạy của giáo viên mà ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí học sinh đang theo học, nhiều em thấy bạn nghỉ học, sinh ra có tâm lí bắt chước nghỉ theo.

Chúng tôi cuốc bộ theo chân các cô giáo đến vận động các em học sinh, liệt trong "danh sách đỏ" nghỉ học liên tiếp những ngày qua, mới thấy được con đường tìm chữ để đến với tri thức của học trò vốn đã gian nan, nhưng đối với những giáo viên ở huyện vùng cao nơi đây, hành trình đến nhà các em học sinh ở từng tập đoàn, để vận động từng em một ra lớp, không phải là dễ dàng. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 8B), chia sẻ: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không thể đưa các em trở lại lớp một sớm một chiều được. Đi vận động học sinh ở đây có thể dùng từ "mòn đường chết cỏ" để chỉ hành trình mấy ngày qua của chúng tôi. Mình chỉ mong là các em đi học đầy đủ là mừng rồi, chứ chưa nói gì đến chất lượng".

Giáo viên ở đây phải đến nhà học sinh sau giờ dạy, nhiều nhất là chiều và ban đêm, mỗi ngày trên 4 lượt, có lúc may mắn gặp được các em, nhưng chúng chỉ hứa suông "mai em đi học", rồi hôm sau chẳng thấy đâu.

Tới nhà em Đinh Thị Hoàng, ở tập đoàn 6, thôn Huy Em, học sinh lớp 8B, Trường THCS Sơn Mùa, cô giáo Vân nhìn học trò ứa nước mắt, cô Vân đã đến nhà nhiều lần, có lần em Hoàng bảo không có quần để đi học, cô Vân phải bỏ tiền túi ra để mua quần áo, thế nhưng lần này đến, em Hoàng cũng chỉ biết gật đầu và hứa suông, mai em đi học… Đinh Văn Lia, giáo viên lớp 6, đi cùng chúng tôi nói như mếu: "Thật ra, chuyện giáo viên chúng tôi bỏ tiền túi ra để mua dép, mua quần… cho các em là thường xuyên, chỉ mong các em đừng bịa lí do để trốn học thôi...".

Rời nhà em Đinh Thị Hoàng, chúng tôi đến nhà bà Đinh Thị Thanh ở Tập đoàn 6, có hai đứa con đã bỏ học từ sau Tết đến nay. Người phụ nữ này, một nách hai con nói rất tự nhiên: "Đâu biết, nó nghỉ đi làm rồi, tôi bảo đi học, nó không nghe. Thằng Hôn đi chăn bò, còn con Tua thì đi chơi chưa về, không biết đi đâu"… Rời tập đoàn  6, chúng tôi đến khu dân cư KaNhổ, cũng gặp hoàn cảnh tương tự, đa số phụ huynh tỏ ra bất lực, thờ ơ trước sự việc con em bỏ học, học trò thì cũng cứ đợi cô giáo "dỗ dành", và các cô thầy lại phải tiếp tục "chờ" lời hứa đi học của các em. Trên đường trở về ai cũng hy vọng ngày mai các em sẽ giữ đúng lời hứa đến lớp học đầy đủ… Cô giáo Vân hỏi một học sinh lớp 8 (em Đinh Thị Hạ, tập đoàn 5), học sinh này mới bỏ học, không biết đi đâu, giáo viên trong đoàn phải thốt lên: "Bỏ trường lớp em sẽ đi đâu?". Câu hỏi của họ cũng là điều nhức nhối cho những người tâm huyết với giáo dục nơi đây.

Cần sự nỗ lực đồng bộ
Nói về tình trạng bỏ học của học sinh các điểm trường , thầy Hà Phải - Phó Phòng giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: Thời gian sau Tết, từ mùng 6-7 Tết chỉ có khoảng 20% học sinh đến lớp. Đến thời điểm này, số học sinh ra lớp chỉ đáp ứng khoảng 80%. Riêng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú, số học sinh đến lớp chiếm hơn 90%. Đa số học sinh vắng học chủ yếu là rơi vào khối THCS. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học giã gạo của một bộ phận học sinh, trong đó nổi bật nhất là các em nghỉ học để mưu sinh, kiếm tiền, như bẻ đót, đốn củi, đi làm ăn xa, một số do hoàn cảnh địa lí quá xa, các em lớn thường ham chơi, không chịu đến trường, nhiều học sinh bỏ học vì học kém…

Điều quan trọng hơn cả là ý thức của học sinh và gia đình các em chưa chú trọng đến việc học. Trong những ngày qua, Phòng giáo dục huyện cùng với chính quyền địa phương đã phối hợp, triển khai họp dân tại các khu dân cư. Một số điểm trường như Sơn Dung, từ sĩ số chỉ 50% học sinh đến lớp, đến nay căn bản các em đã ra lớp trở lại. Đáng lo ngại nhất là học sinh ở các điểm trường xa, nhiều trường hợp học sinh vắng nhà, nên gây khó khăn cho công tác triển khai vận động. Hiện tại, Phòng giáo dục huyện đang chỉ đạo các trường, tổ chức phụ đạo thêm cho những học sinh đến lớp muộn, để các em theo kịp chương trình.

Thiết nghĩ, tình trạng học giã gạo của học sinh ở huyện miền núi vẫn thường xảy ra trong dịp sau Tết, dù Ngành giáo dục huyện đã có khuyến cáo từ trước, cấp phát tiền theo quy định 112 cho các em, cấp gạo ăn cho học sinh một số điểm trường đặc biệt khó khăn… nhưng "điệp khúc" này vẫn tái diễn trong mấy năm qua. Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy cho biết: Hiện tại, huyện Sơn Tây đã triển khai quyết liệt các giải pháp huy động đồng bộ sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình học sinh, nhằm hạn chế phần nào tình trạng trên, bằng mọi nỗ lực để đưa bằng được học sinh ra lớp. 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

.