Gieo chữ trên vùng xa Ba Khâm

10:12, 20/12/2010
.

(QNg)- Chiều đông, mưa giăng mờ mịt núi đồi. Vượt qua con dốc đứng sững trơn trượt, chúng tôi đến Trường tiểu học xã Ba Khâm (Ba Tơ). Các thầy cô giáo đã đón và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về việc gieo chữ trên vùng xa nhiều khó khăn này... Đến được trường thì đã quá trưa, ở các phòng học, học sinh đã về từ lâu.

Thầy Võ Hổ - Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Ba Khâm đưa tôi đến  phòng thư viện. Một bên là sách vở, đồ dùng dạy học, còn một bên là nơi ở của giáo viên. Chuyện trò cùng tôi cô giáo trẻ Nguyễn Thị Xuân Duyên (Sơn Tịnh), không nói gì con đường đến nơi dạy học gian khó, mà nói nhiều về cuộc sống đầy nhọc nhằn và sự nỗ lực của trẻ em nơi đây trong học tập. Có em đến giờ học mỹ thuật của cô mà chẳng có bút chì màu để vẽ.
 
Hiểu các em cô tặng cho bút chì và thay vì vẽ những hình ảnh trong sách giáo khoa, cô đã dạy các em vẽ những bản làng mình sinh sống; hình ảnh mẹ địu con; những cánh đồng chạy quanh chân núi, những ngôi nhà sàn nhấp nhô bên sườn đồi... Các em càng vẽ càng thích. Có hôm chủ nhật nghỉ học, các em đến  tìm cô nhờ xem một bức tranh mới vẽ. Nhiều em nói xem trên ti vi mới biết, quê mình nghèo quá, nên phải cố gắng học để trở thành người có ích góp sức xây dựng bản làng thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu. 
 
Vì không có chỗ ở, nên hai cô giáo phải mượn tạm thư viện để ở, nấu ăn, sinh hoạt.
Vì không có chỗ ở, nên hai cô giáo phải mượn tạm thư viện để ở, nấu ăn, sinh hoạt.

Cô giáo Lê Thị Diệp Loan (An Chỉ, xã Hành Phước, Nghĩa Hành) dạy môn âm nhạc. Cô bộc bạch: "Các em có thể thiếu ăn, nhưng không thể thiếu tiếng hát. Mình dạy cho các em hát những bài ca cách mạng, về quê hương, đất nước, về Bác Hồ kính yêu. Các em phấn khởi lắm. Chúng còn tự sưu tầm rồi tự tập hát tặng mình và các đồng nghiệp bài Cô giáo vùng cao, nhân ngày Nhà giáo VN 20.11 vừa rồi nên chúng mình cảm động lắm"...

Những giáo viên quê đồng bằng lên non cao Ba Khâm gieo chữ “trồng người” phải đối diện với nhiều gian khó. Hai cô giáo trẻ Duyên và Loan cũng đã gần đến kỳ sinh nở, mà hằng tuần vẫn vượt dốc, vượt đoạn đường dài trời mưa trơn trượt, để về đến các điểm trường thôn dạy học. Rồi cũng dưới con đường trơn đó, tôi đã thấy một người đi xe máy ngã dài ra đường, hỏi ra mới biết đó là thầy giáo Phạm Văn Ếch đang trên đường đến trường dạy học. Cô giáo Duyên giãi bày: "Mùa khô giáo viên còn về nhà được, mùa mưa thì cả tháng cũng chẳng thể về, vì mưa dầm, đường trơn trượt nên lương thực, thực phẩm đều nhờ vào những "chợ di động" từ miền xuôi lên. Nhưng mấy hôm nay mưa dầm đường trơn, bùn lầy nên những người chở hàng cũng không lên nữa".

Bây giờ khó khăn như thế, nhưng lùi lại chừng 10 năm trước lên Ba Khâm dạy học còn khó khăn hơn nhiều. Ở trường thầy cô giáo có thâm niên như  giáo viên Phạm Thị Lành - quê ở thị trấn Ba Tơ, thầy Võ Hổ - quê ở Mộ Đức. Hồi đó con đường lên Ba Khâm chưa được mở rộng như bây giờ. Cô giáo Lành nhớ lại:  Nhà ở thị trấn Ba Tơ, muốn đến xã Ba Khâm phải đi xe đò xuống đường Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phổ Ninh (Đức Phổ), rồi phải mất cả buổi đường đi bộ mới đến được trường.

Ngày đó cuộc sống đồng bào Hrê còn nghèo khó. Trẻ em đi học trong sự thiếu thốn. Có em thiếu cả dép mang, áo mặc, mũ đội để đến trường. Mùa đông nhiều em vẫn chỉ có chiếc áo cũ phong phanh đến trường. Cô giáo Lành là người  H’rê nên cô hiểu các em, hiểu hoàn cảnh của đồng bào mình. Tuy nhiên cô nghĩ chỉ có con đường học tập mới giúp các em tiếp cận với nền văn minh, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu. Thế là cô quyết tâm gieo vào lòng trẻ thơ những ước mơ, mà muốn thực hiện được  phải bắt đầu bằng việc học chữ để đọc, để viết, để hiểu về bản làng. Rồi xa hơn cô dạy cho các em về việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ rừng, kỹ thuật gieo trồng... Cô giáo Lành đã linh hoạt dùng hai ngôn ngữ trong khi giảng bài (tiếng đồng bào trước rồi đọc tiếng Kinh sau). Nhờ thế các em đã tiếp thu bài học nhanh và thích học hơn nhiều...

Thấy lớp học hiệu quả, nhiều giáo viên người Kinh nhờ cô giáo Lành chỉ giúp tiếng Hrê cơ bản, để gần gũi giảng dạy các em. Tranh thủ thời gian không lên lớp, cô Lành còn trò chuyện về tập quán sinh hoạt, ăn ở giao tiếp của đồng bào với giáo viên người Kinh, để đồng nghiệp hiểu tâm lý các em mà giảng dạy cho phù hợp... Theo năm tháng dưới mái nhà tập thể còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ nhà giáo Ba Khâm chia sẻ cho nhau từ kinh nghiệm giảng dạy, đến từng mớ rau, nhánh chuối rừng, con cá mặn từ xuôi đem lên.

 Tháng năm đi qua, vượt qua những khó khăn gian khổ bằng tình yêu nghề, yêu vùng đất còn nhiều khó khăn, 20 cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Ba Khâm mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tất cả hướng về mục đích cao cả: Vì tương lai của con em, vì sự nghiệp “trồng người”. Học sinh và phụ huynh nơi đây đã hiểu được tấm lòng của thầy cô giáo và lợi ích của việc học, nên tích cực khuyên bảo con em mình học tập. Có những em từ mái trường này nay đã trở thành cán bộ của xã, của làng. Đội ngũ thầy cô giáo Ba Khâm càng vui và xem đó là phần thưởng cao quý nhất mà đồng bào dân tộc Hrê Ba Khâm tặng cho họ.
                             Bài, ảnh: Mai Hạ

.