Trong tháng 11, tiếp tục giải ngân cho vay đối với học sinh, sinh viên

09:11, 10/11/2010
.

(QNĐT) – Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạm ngừng giải ngân tín dụng học sinh sinh viên (HSSV) để tiến hành rà soát đối tượng vay, điều chỉnh việc thực hiện cho vay đối với HSSV thuộc diện khó khăn về tài chính đột xuất khiến hàng trăm nghìn HSSV rơi vào tâm lý hoang mang.

* Sợ mất "phao cứu hộ"

Trong 3 năm qua, quyết định cho vay HSSV đã giúp cho hàng trăm nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất vô cùng phấn khởi, thực sự là phao cứu hộ vì họ đã cởi bỏ được nỗi lo đau đáu cơm áo gạo tiền để yên tâm học tập.
 
Tuy nhiên, năm học 2010-2011 đã bắt đầu khá lâu nhưng NHCS phải ngừng giải ngân để thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng học sinh sinh viên (HSSV), làm nhiều gia đình lao đao và sợ mất phao cứu hộ. 
 
Sinh viên nghèo rất cần nguồn tín dụng, sinh viên để trang trải tiền ăn học.
Sinh viên nghèo rất cần nguồn tín dụng sinh viên để trang trải tiền ăn học.

Hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở khu dân cư số 4, đội 6, thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn) phải chạy sấp chạy ngửa lo tiền học cho 3 đứa con.
 
Chị Thủy cho biết: “Gia đình tôi có 4 đứa con, hiện 2 đứa đang theo học tại Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Đại học Phạm Văn Đồng, còn đứa út đang học THPT. Mọi năm, dẫu có khó khăn nhưng không lo lắm vì đầu năm học đã vay được tiền từ NHCS rồi, nhưng năm nay, mãi đến giờ này vẫn chưa vay được. Tôi phải vay nóng ngoài chợ cho chúng đóng học phí. Không biết ngân hàng có tiếp tục cho vay nữa không, nếu không sợ gia đình không lo nổi cho tụi nhỏ. Thằng lớn đã ra trường được 6 tháng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm nên chưa thể phụ gia đình lo cho em ăn học được”.

Học phí đã tăng, chi phí ăn, ở, đi lại cũng leo thang khiến nhiều gia đình khó khăn, phải trông chờ vào khoản vay tín dụng học tập lại càng mong chờ hơn bao giờ hết.
 
Em Trần Thị Kim Ngân - sinh viên khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Phạm Văn Đồng than thở: “Đầu năm học em phải đóng 1.400.000 đồng học phí học kỳ 1. Mỗi tháng  lại tốn thêm 600.000 tiền ăn, 300.000 tiền xăng. Đó là chưa kể tiền học thêm ngoại ngữ và tin học vào ban đêm và các chi phí khác. Hai đứa em cũng đi học nên bố mẹ không lo nổi, em đã làm hồ sơ đăng ký vay nhưng chưa chưa thấy động tĩnh gì”.

*Hộ khó khăn vẫn được vay tiếp nếu còn khó khăn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 231/TB-VPCP ngày 31/8 của Văn phòng Chính phủ, NHCSXH đã ban hành Văn bản số 2287/NHCS-TDSV về thực hiện  điều chỉnh việc cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.
 
Cụ thể, nếu đối tượng này vay lần đầu chỉ cho vay 1 lần, với thời gian được vay không quá 12 tháng, mức cho vay không vượt quá số tiền quy định cho vay tối đa đối với mỗi HSSV (hiện nay là 860.000 đồng/tháng/HSSV, tương đương 4,3 triệu  đồng/học kỳ). Như vậy, thay vì được vay vốn suốt thời gian theo học tại trường như trước đây, với quy định mới thì những đối tượng này chỉ được cho vay 1 lần.

Những đối tượng này nếu như những năm trước đã giải ngân cho vay bằng hoặc lớn hơn mức quy định nêu trên thì chấm dứt việc giải ngân và tiến hành thỏa thuận kỳ hạn trả nợ. Trên thực tế, khi triển khai thực hiện theo quy định trên đã nẩy sinh một số vướng mắc như: Còn rất nhiều hộ gia đình gặp khó khăn thật sự về tài chính hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn sẽ không được vay tiền cho con đi học.

Để giải quyết vướng mắc này, vừa qua NHCSXH đã có văn bản số 2547/NHCS-TDSV hướng dẫn cụ thể về cho vay đối với hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính đột xuất. Theo đó, trường hợp gia đình đã nhận tiền vay đủ 12 tháng nhưng vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp vì một trong những lý do như đã nêu được UBND cấp xã xác nhận thì người vay tiếp tục được nhận tiền vay không quá 12 tháng tiếp theo.

Trường hợp hộ gia đình thuộc diện khó khăn về tài chính nhưng nay thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo (hộ có thu nhập tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo) cũng phải được UBND cấp xã xác nhận.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh cho biết, lý do chậm giải ngân so với các năm học trước là do ngân hàng phối hợp với các xã, phường rà soát, phân loại đối tượng để vốn vay được sử dụng đúng mục đích và chờ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương.

Bà Linh cũng cho biết thêm, đầu tháng 11 nguồn vốn do Trung ương phân bổ về đã được chia về các chi nhánh. Các chi nhánh cũng đã lên kế hoạch tiến hành giải ngân trong tháng 11. Các hộ gia đình đã đăng ký vay liên hệ với các chi nhánh để biết lịch giải ngân tại các điểm giao dịch xã, phường nơi mình cư trú.

Bài, ảnh: Ái Kiều

.