Quảng Ngãi đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập

10:11, 26/11/2010
.

(QNg)- 45% lao động sẽ qua đào tạo vào năm 2015 là chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII đã thông qua, nhằm phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và nâng số lao động qua đào tạo lên 60-65%. 

Theo số liệu thống kê của ngành lao động, đến năm 2010 số lao động của Quảng Ngãi đã qua đào tạo mới chỉ đạt 28%. Vì thế để nâng cao số lượng lao động qua đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhấn mạnh đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực xứng tầm với tỉnh đang trên tiến tình công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
 
Một DN may ở KKT của tỉnh.
Một DN may ở KKT của tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để đạt chỉ tiêu nghị quyết, chúng ta cần phải tạo ra khâu đột phá trên lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực theo từng giai đoạn từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề, với mục tiêu đến năm 2015 tất cả các bậc giáo dục từ đại học trở xuống phải ngang tầm trong khu vực miền Trung. Tăng cường cơ chế phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các chính sách đào tạo nghề, xây dựng mô hình liên kết đào tạo nghề với phương thức đào tạo đa ngành, đa nghề; chú trọng đến các trung tâm công nghiệp, lao động nông thôn, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian đến. 

Có thể nói hiện tại mạng lưới dạy nghề, các trung tâm, các trường nghề vẫn chưa ổn định. Đội ngũ giáo viên dạy nghề, truyền nghề còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; Cơ sở vật chất còn thiếu thốn và đã lạc hậu. Trong khi đó nhận thức của người lao động về học nghề vẫn chưa đầy đủ, nên phần nào ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề.

Nhằm đáp ứng nguồn lao động cho sự phát triển của tỉnh, mới đây Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh Đề án quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng và mở rộng hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn. Tiến tới thành lập các Trung tâm đào tạo dạy nghề trên cơ sở sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm hướng nghiệp dạy nghề. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực và chất lượng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, kết hợp với xây dựng mạng lưới dạy nghề bằng những nghệ nhân truyền nghề với các ngành nghề truyền thống cho lao động đã có tay nghề.

Xây dựng đề án đào tạo nghề chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ông Nhân cho biết thêm: Trước khi đề án được phê duyệt, trước mắt ngoài sự đầu tư từ Trung ương, về phía địa phương cần đẩy mạnh liên kết trong đào tạo nghề, củng cố và nâng cao năng lực cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên gắn với những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ trên địa bàn, nhằm hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra và thu hút lực lượng lao động của địa phương có tay nghề đang làm ăn ở xa về làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Hoàng Hà

.