Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp: 6 nội dung phối hợp phổ biến, GD pháp luật

10:11, 25/11/2010
.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Theo đó, hai Bộ sẽ cùng thực hiện 6 nội dung phối hợp.

Tuyên truyền pháp luật về ATGT là một trong những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho học sinh

Tuyên truyền pháp luật về ATGT là một trong những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho học sinh. Ảnh: internet
Tuyên truyền pháp luật về ATGT là một trong những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho học sinh. Ảnh: internet

Cụ thể, hai bộ sẽ phối hợp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; phối hợp biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu, sách giáo khoa về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng danh mục các thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp xây dựng tủ sách pháp luật, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, tư vấn pháp luật; phối hợp nghiên cứu khoa học về phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi môn học Giáo dục công dân và môn học Pháp luật và phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan tư pháp và trách nhiệm của nhà trường. Theo đó, cơ quan quản lý giáo dục sẽ chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết các nội dung phối hợp trong phạm vi thẩm quyền; tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật  của cơ quan tư pháp cùng cấp; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường do cơ quan tư pháp hỗ trợ; đề xuất khen thưởng hoặc khen thưởng theo thẩm quyền đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ tư pháp có nhiều thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Cơ quan tư pháp sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp tổ chức triển khai nội dung hoạt động trong phạm vi thẩm quyền quy định. Đồng thời, chủ trì thực hiện định hướng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa hai bên; đề xuất nội dung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng, khai thác và quản lý tủ sách pháp luật trong nhà trường. Cơ quan tư pháp cũng có trách nhiệm đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thành hoạt động thường xuyên trong trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của cơ quan tư pháp; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tư pháp cấp dưới tích cực tham gia thực hiện các hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; cử cán bộ có trách nhiệm theo dõi và tham gia phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; đề xuất khen thưởng hoặc khen thưởng theo thẩm quyền đối với các cơ quan, đơn vị, nhà trường, cá nhân thuộc ngành giáo dục có nhiều thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Về phía nhà trường sẽ có trách nhiệm triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung quy định tại Thông tư liên tịch này; chủ động liên hệ với các cơ quan tư pháp trong việc tổ chức công tác phối hợp, chủ động phát hiện, đề xuất các nội dung cần phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường với các cơ quan quản lý có thẩm quyền; báo cáo về công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cùng với báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ, đột xuất.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2010.
 
Theo GD&TĐ
 

.