Chuyện cảm động ở Trường tiểu học Trà Bùi

09:04, 21/04/2010
.

(QNg) -  Theo Quyết định 112 và 101 của Chính phủ, năm học 2009 - 2010, mỗi học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực 2 và 3 miền núi được hưởng một khoản tiền hỗ trợ cho việc đến trường. Theo đó, học sinh mẫu giáo thì được hỗ trợ 70.000 đồng/em/tháng; học sinh tiểu học và THCS: 140.000 đồng/em/tháng. Thế nhưng do từ đầu năm học đến giờ chưa nhận được tiền hỗ trợ này, nên ở Trường tiểu học xã Trà Bùi (Trà Bồng), giáo viên phải góp tiền vào nuôi 60 học sinh đang ở bán trú tại trường.
 
TIN LIÊN QUAN

 
Nỗi niềm của những đứa trẻ xa nhà

Vượt qua con đường gập ghềnh rồi cuối cùng tôi cũng đến được Trường tiểu học Trà Bùi. Buổi trưa nắng như đổ lửa, bước vào nơi ở của các em chúng tôi  thấy nóng hầm hập. Với khoảng 20 chiếc giường tầng, nhưng chỉ có vài chiếc chiếu được trải ra thầy hiệu trưởng Dương Văn Nhàn bảo: Đây là phòng ở của hơn 20 em học sinh nam. Do thiếu giường nên tối đến là lên phòng học trên trường ngủ. Vì ở trên ấy có quạt trần, các em vừa mát, vừa không bị muỗi cắn. Bước vào căn phòng có 25 em học sinh nữ ở, chúng tôi được các em cho biết, phần lớn các em  đều ở thôn Quế. "Mà từ thôn Quế đến đây phải mất cả ngày đường" - em Hồ Thị Trang, học sinh lớp 5 nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm mang thức ăn cho hai chị em bé Hồ Thị Tâm và Hồ Thị Hồng.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm mang thức ăn cho hai chị em bé Hồ Thị Tâm và Hồ Thị Hồng.
Đã vài năm nay vào mùa nắng, cứ hai ba tuần, bé Trang và các bạn cùng thôn lại về nhà một lần. Các em phải băng qua nhiều đồi dốc, trán người đi trước đụng gót chân người đi sau, có đoạn phải băng rừng, lội suối mà đi; có khi phải chui qua vùng lau lách phủ lút đầu người. Để về được đến nhà (hay đến trường) bé Trang và bạn mình phải nghỉ mấy bận dọc đường. "Mỗi lần xuống trường, mí vá (ba, mẹ) có cho tiền không?" - tôi hỏi. Bé Trang bảo: "Có thì 10.000 đồng thôi. Nhưng cũng có khi hổng có đâu". Hỏi ra mới biết bé Trang không dám xin tiền vì còn có 5 đứa em nữa, đứa út còn đang bú mẹ, nên "mình đi học sướng rồi, phải nhịn bụng cho mấy đứa em thôi".

Cũng là mấy con chữ, nhưng học sinh miền núi đi học sao thương thế. Nhiều nơi khi đến trường, các em học sinh còn cõng gạo mang theo để ăn. Còn ở đây, học sinh từ các thôn bản xa xôi, trên đôi vai nhỏ xíu các em không thể mang gạo đi được, mà chúng chỉ đến được trường đã mừng rồi. Và một lý do đơn giản nữa là ba mẹ các em biết khi đến trường ở bán trú, các em được Nhà nước cấp cho tiền ăn. Vậy thì mang gạo theo làm gì?

Giáo viên góp tiền nuôi học sinh bán trú
Trong câu chuyện với chúng tôi, giọng thầy Dương Văn Nhàn như chùng xuống: "Thực chất trường chúng tôi là bán trú, nhưng các anh thấy đó nó trở thành nội trú mấy năm nay rồi". Lý do thầy Nhàn đưa ra là mấy năm nay khi có được khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước, các em học sinh đi học đều hơn. Có điều nhiều em học sinh các lớp "nhô" (4 khối từ lớp 6 đến 9 có 107 em) nhà ở xa quá, đành để các em ở lại luôn. Thế nhưng do đường vừa xa, gia đình lại khổ quá, nên nhiều học sinh đã kéo em mình (là học sinh tiểu học ở thôn) đến đây ở học và ở "nội trú" luôn tại trường. Tại ngôi trường này có rất nhiều trường hợp cả 2, 3 anh em một nhà theo học ở luôn nội trú.

Đặc biệt như trường hợp hai chị em Hồ Thị Tâm (lớp 5) và Hồ Thị Hồng (lớp 3), nếu không có nội trú thì các em chẳng biết ở đâu. Nhà hai em ở thôn Tây, xã Trà Bùi, nhưng mí, vá hai em đã ly hôn. Mí các em đã vào miền Nam sinh sống, còn vá thì có vợ khác. Cách mấy tuần, hai chị em lại dẫn nhau về nhà dì ở thôn Trỏ, xã Trà Tân ở. Thế nhưng dì cũng cơ cực làm sao nuôi nổi hai chị em? Thế là chị em bé Tâm,  Hồng đành trở lại trường, xem đó là mái nhà, che nắng che mưa. Cô giáo chủ nhiệm bé Tâm là Nguyễn Thị Minh Tâm, bảo: Em cũng chẳng biết làm sao, khi thấy mấy em thường đi hái lá lốt rừng về nấu với mì tôm, để ăn, nên có gì ngon là mang đến cho hai chị em bé Tâm. Còn thầy Nhàn thì chép miệng: "Vậy đó, thấy thương quá, nên Trường đành nhận luôn học sinh tiểu học, nhưng rất khó các anh à!".

Cái khó mà thầy hiệu trưởng ở đây bảo chính là cái ăn cho học sinh. Như năm học này tiền hỗ trợ của Nhà nước cấp cho học sinh theo Quyết định 112 và 101 của Thủ tướng Chính phủ là 140.000 đồng/em/tháng. Lý ra ngành chức năng phải cấp từ đầu năm học, thế nhưng đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được đồng nào. May mà trong tháng 4/2010, Chương trình tầm nhìn thế giới đến trao cho học sinh nội trú 10 kg gạo/em, nên có cơm cho học sinh ăn. Bấy nhiêu đó dù không đủ cho học sinh ăn cả tháng, nhưng với giáo viên của trường thì số gạo ấy đỡ đần rất nhiều cho nhà trường.

 Học sinh Trường tiểu học Trà Bùi hái lá lốt rừng, để nấu với mì tôm.
Học sinh Trường tiểu học Trà Bùi hái lá lốt rừng, để nấu với mì tôm.
Nhớ lại mấy tháng trước đây, đặc biệt là 2 tháng (9 và 10) đầu năm học 2009-2010, cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Trà Bùi như đứng trên ổ kiến lửa. Bởi học sinh không ở nội trú thì về nhà có cơm ăn, còn 60 em ở nội trú thì  lấy gì mà ăn, vì tiền Nhà nước cấp chưa có? Thế là trong những ngày đầu nhập học các em, phải nấu "lú" (nấu trộn chung) mì tôm và rau lá lốt rừng để ăn lót dạ. Sau đó cô Hiệu Phó Nguyễn Thị Hương lận lưng mấy chỉ vàng mình dành dụm được đi mua gạo, mua thức ăn cho học sinh.

Với quan điểm: Giữ học sinh tại trường, tại lớp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên chẳng biết bao giờ cô Hương được trả lại số vàng đã bán ra. Chỉ biết nhờ số vàng đó đã giữ được sĩ số học sinh, không để các em nhịn đói là mừng rồi. Thầy Nhàn còn cho biết: Những tháng qua không ai bảo ai, nhưng cứ mỗi bận thầy cô giáo nhà trường về quê, khi trở lên là lúc nào cũng có mua cá, rau, thịt... vun vào nuôi học sinh nội trú. Còn lại, nhà trường lấy tiền từ quỹ đóng góp mỗi tháng 100.000 đồng/giáo viên (để cuối năm tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi thăm quan), mua gạo và thức ăn cho các em. Đó là chưa kể, hễ có đoàn cứu trợ lên đây là lãnh đạo nhà trường đến xin cho bằng được gạo, mì, tiền... để lo cho học sinh.

Phải chờ đến bao giờ học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Bùi (nói riêng) và các địa phương miền núi trong tỉnh mới nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định 112 và 101?. Đó là câu hỏi mà các ngành chức năng nên sớm trả lời, để cho đồng tiền nói trên được sử dụng đúng nghĩa.

Bài, ảnh: PHẠM ANH

.