Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh: Nâng bước các em vào đời

02:12, 04/12/2009
.
 

(QNg) - Bước vào khuôn viên trường, chưa hết ngỡ ngàng bởi cái ôm bất ngờ của một cô bé, tôi lại giật mình bởi những tiếng cười, khóc của một tốp trẻ đang tiến về phía mình. Trước những cái ra hiệu bằng tay, cô giáo đứng bên cạnh giải thích: Chúng nó chào chị đấy. Những cái "lạ" ấy có lẽ chỉ có ở trường giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh.


Ngôi trường với nhiều điều "lạ"

Được thành lập đã hơn 3 năm tính từ năm học 2006-2007, đến nay Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh (152, đường Nguyễn Đình Chiểu, Tp Quảng Ngãi) đã có hơn 80 học sinh và 14 giáo viên/27 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Trường được hình thành và hoạt động theo chức năng của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập, đào tạo học sinh bị 2 dạng tật chính là Khiếm thính và Khó khăn về học. Nhớ lại ngày đầu "nhận chức" hiệu trưởng, thầy Lê Trung Tiên không khỏi bùi ngùi: Khi đó do chưa có cơ sở, nên trường phải mượn tạm 1 phòng trong Trường Dân tộc nội trú tỉnh để làm việc. Lúc ấy tôi luôn trăn trở, liệu mình có thể đảm đương được nhiệm vụ mới này hay không?
 
 Thầy Lê Trung Tiên (giữa) bên những bông hoa do các em khuyết tật tự làm dâng tặng.
Thầy Lê Trung Tiên (giữa) bên những bông hoa do các em khuyết tật tự làm dâng tặng.
Khi đã có địa điểm, đón các em vào lớp, tôi và nhiều thầy cô mới thấm thía nỗi đau của cuộc đời trong những hình hài không lành lặn ấy. Làm hiệu trưởng ở ngôi trường đặc biệt này cũng giống như làm "mẹ". Hàng tá công việc từ lớn đến nhỏ đều được báo lên hiệu trưởng: Nào là công tắc điện rớt, vòi nước mở không ra...rồi lại còn học sinh đau, trốn học. Bên cạnh đó lãnh đạo trường còn phải đối mặt với trăm thứ lo khác như, thiếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... Nhiều khi công việc chưa xong, ban đêm thầy lại lầm lũi cắp cặp đến trường, để hoàn thành nốt...

Với sự cố gắng làm việc tận tuỵ, không mệt mỏi của các thầy cô, nhiều em đã tiến bộ trông thấy. Một số em trước kia còn rụt rè, sợ hãi và không nhận biết được sự vật, đến nay đã quen bạn, quen thầy, biết múa hát, chào hỏi, biết ra hiệu bằng ngôn ngữ cơ thể. Có một kỷ niệm mà thầy Tiên mãi không quên được. Đó là một lần, thầy cùng cô Thuỷ (hiệu phó) xuống thăm lớp. Hôm ấy cô Thủy mặc chiếc áo màu đen, quần trắng. Bỗng một em  chạy tới ôm cô và nói: "Thủy bữa nay mặc áo trắng đẹp quá!". Và đứa khác đứng bên bậc thềm mắng: "Áo đó mà là áo trắng, áo vàng của người ta, không biết mà cũng nói!". Một cô bé khác nhanh nhẩu: "Áo đó màu vàng tui chết liền, màu xanh đó".

Thầy và cô Thuỷ nhìn nhau buồn cười mà nước mắt cứ ứa ra. Cười mà đau. Đau khi các em không thể nhận thức được về sự vật, hiện tượng. Đó không chỉ là nỗi đau cho chính các em, mà còn là nỗi đau của gia đình và xã hội. Và trong mỗi thầy cô lại trào dâng quyết tâm giúp các em vơi bớt nỗi đau, sớm hòa nhập cộng đồng. "Giáo viên trường này ai không bị đánh, mới là chuyện lạ"- Đó là lời tâm sự rất thật của 1 cô giáo có "thâm niên" bị học trò đánh.

Có lần cô Trần Thị Tuý bị đánh đau quá, lên báo với hiệu trưởng: "Nó đánh đau quá, thầy ơi". Thầy không biết nói sao, chỉ an ủi: "Chuyện bình thường, cố nhịn, cố nhịn!". Có thể nói rằng nếu không có lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc với các em thì  các cô giáo nơi đây không thể vượt qua những khó khăn đặc thù tại ngôi trường này. Ngay trong 1 lớp, trình độ, tuổi tác của các em cũng đã rất khác nhau, các cô phải vừa dạy, vừa dỗ, kiêm nhiệm đủ các vai trò.

Nâng bước chân em

Không phụ lòng thầy cô, nhiều em đã tiến bộ trông thấy. Chẳng hạn như em Nguyễn Văn Hoay bị thiểu năng trí tuệ. Trước kia, Hoay là học sinh cá biệt của Trường tiểu học ở Nghĩa Hành. Đến Trường Giáo dục trẻ khuyết tật, Hoay cũng nhiều lần nhảy cửa sổ trốn học khiến các thầy cô đi tìm cả ngày. Té ra cậu đang ngồi chơi trong quán internet. Sau 3 năm học tại trường Giáo dục trẻ khuyết tật, giờ đây Hoay đã trở thành lớp phó lao động tại Trường tiểu học ở Nghĩa Hành, được thầy khen, bạn mến.

Dù chỉ mới hoạt động được 3 năm, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đã nhận 2 giải thưởng Sáng kiến Giáo dục do Dự án PEDC của Bộ Giáo dục&Đào tạo tài trợ. Nhà trường đã thực hiện tốt chức năng Trung tâm nguồn, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và công tác chăm sóc trẻ khuyết tật, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy trẻ khuyết tật học hoà nhập cho giáo viên tiểu học và mầm non trên 6 huyện, thành phố của tỉnh, với hàng ngàn lượt cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tham gia. Hàng năm, trường còn hỗ trợ cho học sinh đang học tại trường được ra học hoà nhập tại cộng đồng đạt kết quả khá tốt từ 15-25%.

Các lớp dạy nghề cho học sinh trong nhà trường cũng như các em khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh được trường tổ chức như lớp: Đồ gỗ mỹ nghệ, thủ công mỹ nghệ, nghề làm hoa vải... Đến nay đã có nhiều em làm ra được sản phẩm và bán trên thị trường, tự nuôi sống bản thân và khẳng định mình trong xã hội. Các phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh để chào mừng các ngày lễ lớn được tổ chức trong nhà trường, đã thu hút sự tham gia của đông đảo thầy cô và các em học sinh. Đội văn nghệ của trường đã tham gia hội diễn văn nghệ ngành giáo dục thành phố và còn tham gia giao lưu với nhiều trường đại học, THPT trong tỉnh...

Hiệu trưởng Lê Trung Tiên trăn trở: Trước mắt trường còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất thiếu thốn, mặt bằng chưa giải toả xong, nên việc xây dựng còn vướng mắc, các hạng mục chính bị ngừng trệ nên không xây dựng được nhà để xe, tường rào... Mức ăn hàng tháng của học sinh: bán trú: 140 nghìn đồng/tháng là quá thấp so với giá cả hiện nay. Do chưa có nhà nội trú cho các em, nên nhiều em phải kê vạt gường ngủ dưới đất. Nhà trường hiện đang thiếu nhà đa chức năng để các em tập luyện và hội trường rộng để sinh hoạt, nên phải thuê hội trường khi phải mở các lớp giáo dục chuyên sâu về giáo dục trẻ em khuyết tật, giáo viên các huyện về học... Vượt lên những khó khăn ấy các thầy các cô vẫn ngày lặng lẽ bên những em bé khuyết tật, chỉ với một mục tiêu: Nâng bước các em vào đời.

Phương Trà

.