Giáo dục Quảng Ngãi: Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương"hai không"

10:04, 30/04/2009
.

Linh hoạt trong tổ chức thực hiện

Một tiết học ở vùng cao.
Trước đây, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) cũng giống như một số xã ven biển, miền núi, và hải đảo khác là đều đối mặt với vấn nạn học sinh bỏ học, nhất là dịp sau tết. Số học sinh này đa phần có học lực trung bình, yếu, kém hoặc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một số giáo viên cho rằng số học sinh ở những vùng này đến được trường đã là sự nỗ lực lớn, nếu không động viên thì các em sẽ bỏ học. Cũng từ suy nghĩ này nên trong quá trình kiểm tra, thi cử có giáo viên   đã châm trước cho các em bằng cách cho điểm số "rộng rãi" hơn, với mục đích để kéo học sinh đến trường. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của ngành giáo dục; mới xảy ra chuyện "ngồi nhầm lớp" hoặc cảnh "sáng lớp 6 chiều lớp 1" ở Bình Sơn .

 

Việc triển khai  chủ trương "hai không" của Bộ GD-ĐT như một hồi chuông cảnh tỉnh trong toàn ngành giáo dục về công tác đào tạo con người. Mỗi địa phương có mỗi cách triển khai "hai không". Ban giám hiệu trường THCS xã Nghĩa An cho biết: "Đối với vùng ven biển xã Nghĩa An hồi mới triển khai có người phân vân: Học sinh học yếu, không muốn học mà thực hiện thi cử nghiêm túc, thì điểm sẽ kém và như thế học sinh bỏ học hàng loạt". Nhưng thực tế không phải như vậy. Sau gần 3 năm thực hiện cho thấy, phụ huynh có ý thức nhắc nhở con em học tập; nhà trường nghiêm túc trong vấn đề kiểm tra, thi cử để đánh giá thực lực học tập của các em. Học sinh nào yếu kém thì nhà trường mở lớp dạy phụ đạo một tuần hai buổi cho các em. Từ đó, ý thức học tập của các em đã được nâng cao, nên chất lượng học tập hiệu quả và vấn đề bỏ học cũng giảm dần. Nếu như năm học 2007- 2008 có gần 100 học sinh bỏ học (từ khối 6 -9), thì ở kỳ I năm học 2008 -2009 giảm xuống còn 44 em.

 

Đối với huyện vùng cao Minh Long, khi có chủ trương "hai không”, Phòng giáo dục huyện đã tổ chức cho Ban giám hiệu các trường, Hội trưởng Hội phụ huynh các trường họp phổ biến và tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện. Trước khi bước vào năm học mới, Phòng đã chỉ đạo từng bậc học, từng đối tượng học sinh thực hiện nghiêm túc chủ trương "hai không".  Qua thi cử, đánh giá nghiêm túc chất lượng học sinh, nhà trường nắm rõ danh sách những học sinh học lực yếu kém, động viên giáo viên dạy phụ đạo 3 buổi/tuần. Ông Nguyễn Văn Cáng - Phó phòng giáo dục huyện Minh Long cho biết: Nhiều em học sinh vùng cao đã vượt núi đồi, lội suối, khắc phục khó khăn để đến trường. Nhưng do những năm học đầu tiên việc tiếp thu bài giảng của các em còn chậm hơn nhiều so với học sinh vùng đồng bằng, nên  những năm sau đó các em bị mất kiến thức căn bản, dẫn đến yếu kém, rồi nghỉ học. Do vậy Phòng giáo dục tập trung khắc phục  vấn đề này,  nên các em chăm ngoan học tập, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

 

Không chỉ ở Minh Long, Nghĩa An (Tư Nghĩa) mà các vùng khó khăn trong tỉnh như Lý Sơn và các xã vùng ven biển thì chủ trương “hai không” với bốn nội dung đã được triển khai sâu rộng, từng bước có chuyển biến. Nhờ các địa phương linh hoạt trong việc triển khai chủ trương phù hợp với từng vùng miền, nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

 

Chuyển biến từ  chủ trương " hai không "

Sau hơn 2 năm triển khai, mới đây tại cuộc sơ kết chủ trương của Bộ GD-ĐT, tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

 

 Có một thực tế là sau hơn 2 năm triển khai chủ trương "hai không" cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Ở một số trường lâu nay kết quả học tập của các em quá yếu kém khi triển khai chủ trương "hai không", mặc dù Ban giám hiệu nhà trường, địa phương quan tâm, nhưng việc học sinh có lỗ hỏng trong tiếp thu kiến thức đã nhiều năm, nên không thể trong một thời gian mà nâng cao chất lượng được.

 

Trước thực trạng này, để tăng cường thực hiện chủ trương "hai không" của Bộ GD-ĐT,  Sở GD-ĐT đã đầu tư nguồn kinh phí  để đầu tư cơ sở vật chất, bố trí lại đội ngũ cán bộ, hội thảo chuyên đề, tập huấn phương pháp giảng dạy riêng cho các huyện miền núi; đồng thời yêu cầu các Phòng chỉ đạo đội ngũ giáo viên thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức (không thu tiền) cho các em... Trong thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; Tiếp tục quán triệt và duy trì việc đánh giá đúng chất lượng, phân loại học sinh yếu kém, để tăng cường dạy phụ đạo bổ sung kiến thức cho các em. Đồng thời vận động phụ huynh ưu tiên về thời gian tạo điều kiện cho con em mình học tập tốt; ở mỗi vùng miền phải dựa trên thực tế của địa phương để triển khai cho có hiệu qủa. Qua triển khai “hai không” còn cho thấy, nếu như dạy thực chất, học thực chất, thi cử, đánh giá kết quả  giáo dục đúng thực chất, thì  không chỉ chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, mà dư luận xã hội cũng đồng tình.

M.H


.