Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do

04:05, 07/05/2020
.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “là một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” ghi rõ nơi “chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. 
17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tung bay trên nóc hầm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tung bay trên nóc hầm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Trải qua 66 năm, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, được ghi nhận là kết quả của sức mạnh dân tộc Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại. Nhưng trên hết, đó là thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, là nguồn cổ vũ to lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
 
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Với ý chí quật cường, tinh thần quật khởi, ông cha ta đã viết lên những trang sử vàng chói lọi, làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Độc lập là mục tiêu cao cả, là giá trị tinh thần cao quý nhất, thể hiện sự tập trung của chủ nghĩa yêu nước và ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa (tháng 8-1945) giành thắng lợi. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Trước dã tâm đô hộ Việt Nam một lần nữa của thực dân Pháp, Người kêu gọi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả dân tộc kiên cường kháng chiến. Đến năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp đã bước sang năm thứ 8. Sau 8 năm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp bị suy yếu rõ rệt: Thiệt hại gần 390.000 quân, tiêu tốn 2.000 tỷ franc Pháp, liên tục bị ta đẩy vào thế bị động chiến lược. Trước nguy cơ thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, thúc ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh. Ngày 20-11-1953, được sự giúp đỡ của Mỹ, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực lúc cao nhất là 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay (12 chiếc), 1 đại đội vận tải. 
 
Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn. Nhiều tướng lĩnh và chính khách Pháp, Mỹ đã đến Điện Biên Phủ và tuyên bố đây là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, một “con nhím” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã lấy Điện Biên Phủ làm nơi “thách đấu” với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. 
 
“Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, đã diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của địch”. Kế hoạch Nava của thực dân Pháp đã bị phá hủy hoàn toàn. 
 
 Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ cả nước, của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ “xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của 3 dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp. 
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt gần 100 năm Việt Nam là thuộc địa của Pháp, đồng thời đánh dấu  sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Với quân đội và nhân dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi lịch sử: Thắng lợi này chứng tỏ quân ta tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử kháng chiến từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta. Thắng lợi này cũng chứng tỏ sức cố gắng phi thường của nhân dân ta và Đảng ta về phục vụ tiền tuyến. Nó cũng chứng tỏ tổ chức phục vụ tiền tuyến của ta đã tiến bộ nhiều để đáp ứng với cuộc chiến tranh quy mô lớn và đang bắt đầu hiện đại hóa. Chiến thắng ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường toàn quốc chứng tỏ không những bộ đội chủ lực của ta tiến bộ lớn, mà bộ đội địa phương, dân quân du kích trên các chiến trường cũng tiến bộ nhiều... 
 
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến công vang dội, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là bài học sâu sắc về ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và nhân dân ta. Đó là chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, truyền thống yêu nước, đoàn kết và ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Các nhân tố đó tiếp tục là sức mạnh bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
(PGS-TS  VŨ QUANG  - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Theo SGGPO
 
 

.