Chung tay chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần

02:05, 14/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên 10 vụ người tâm thần gây án giết người. Để tránh những vụ việc đau lòng do người bị tâm thần gây ra, gia đình và cộng đồng xã hội cần quan tâm chăm sóc, quản lý người bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lương Thị Kim Phượng (21 tuổi), ở xã Phổ Minh (Đức Phổ), người vừa mất cha do những cú đánh oan nghiệt của Phượng khi phát bệnh tâm thần. Ngôi nhà giờ chỉ còn người mẹ già bệnh tật nuôi 2 đứa cháu nhỏ.

Công an huyện Ba Tơ thăm hỏi, tặng quà cho gia đình anh Phạm Văn Ruộng.
Công an huyện Ba Tơ thăm hỏi, tặng quà cho gia đình anh Phạm Văn Ruộng.

Trước đó, trong lúc "lên cơn", Phượng đã dùng cây, gạch đánh cha ruột mình tử vong. Phượng đã được đưa đi giám định và hiện đang điều trị bệnh tâm thần. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ Minh Huỳnh Quang Toàn cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều người tâm thần gây nguy hiểm cho xã hội. Đa phần cuộc sống của gia đình người bệnh thuộc diện khó khăn. Được sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị chức năng, nhất là Công an tỉnh, một số gia đình có người tâm thần bước đầu ổn định cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 người bị bệnh tâm thần, hầu hết người bệnh được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình. Tuy nhiên, việc quản lý người bị bệnh tâm thần gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng. Gia đình người bệnh tâm thần và các cơ quan chức năng ở địa phương cần thường xuyên theo dõi, chăm sóc và quản lý người bệnh tâm thần.

Anh Phạm Văn Ruộng (38 tuổi), ở thôn Gò Rét - Ma Nghít, xã Ba Cung (Ba Tơ), bị bệnh tâm thần khi còn nhỏ. Thỉnh thoảng anh lại phát bệnh rồi tấn công người xung quanh. Gia đình anh Ruộng thuộc hộ nghèo. Vợ anh Ruộng là chị Phạm Thị Thông phải lao động vất vả để nuôi chồng và hai con nhỏ.

Biết được hoàn cảnh của anh Ruộng, Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp (Công an huyện Ba Tơ) đã cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên xuống thăm hỏi, theo dõi, động viên gia đình chăm sóc, quản lý anh Ruộng.

Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đóng góp, hỗ trợ 400 nghìn đồng cho con của vợ chồng anh Ruộng học hết THPT. Chị Phạm Thị Thông chia sẻ: "Chồng mình bị bệnh, nhà nghèo nên đứa con gái lớn phải nghỉ học phụ gia đình. Nhờ cán bộ, chiến sĩ công an thường xuyên động viên, hỗ trợ tiền nên con mình được tiếp tục đi học. Từ ngày được quan tâm, chăm sóc, đưa đi chữa trị kịp thời nên anh Ruộng không còn quậy phá như lúc trước".

Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Ba Tơ), Đại úy Phan Quốc Việt cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không quản lý được người bệnh tâm thần, trước hết là do xã hội còn định kiến với người bệnh mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc đối với họ. Nhiều gia đình có người mắc bệnh tâm thần không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, mà thường tự điều trị, ở nhà hoặc thậm chí có tâm lý mặc kệ cho người tâm thần thích làm gì thì làm.

Có những gia đình còn che giấu tình trạng của người bệnh. "Các cấp, ngành ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh tâm thần và gia đình của họ, vì phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến an ninh trật tự, thì cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để điều trị", Đại úy Phan Quốc Việt lưu ý.

Bài, ảnh: Thành Sự


.