Kỷ niệm 53 năm chiến thắng Vạn Tường (18.8.1965-18.8.2018):
Chiến thắng của nghệ thuật quân sự

10:08, 19/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiếc xe tăng M48 của quân đội Mỹ phơi xác bên chiến hào Lộc Tự trong trận đánh Vạn Tường ngày 18.8.1965 nay vẫn còn được lưu giữ ở xã Bình Hòa (Bình Sơn). Trận đánh Vạn Tường là minh chứng sinh động cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân và dân Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Quần thể di tích quốc gia Chiến thắng Vạn Tường gồm nhiều hiện vật, di tích nằm rải rác ở nhiều khu dân cư thuộc 2 xã Bình Hải, Bình Hòa (Bình Sơn). Trong đó, điểm di tích Chiến hào thép Lộc Tự, ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa hiện vẫn còn xác xe tăng Mỹ, nằm cạnh chiến hào do bộ đội ta sử dụng để chiến đấu.

Trên tấm bia đặt cạnh chiến hào đã được phục dựng có nội dung: Tại chiến hào “thép” này, Đại đội 1, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn Ba Gia đã tận dụng địa hình, địa vật bằng hệ thống hào đã chặn đánh quyết liệt, bẻ gãy các mũi tiến công bằng xe tăng, xe bọc thép và tiêu diệt được nhiều xe tăng, bộ binh địch trong ngày 18.8.1965.

Xác xe tăng Mỹ tại điểm di tích chiến hào thép Lộc Tự ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn).
Xác xe tăng Mỹ tại điểm di tích chiến hào thép Lộc Tự ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn).


Mùa hè năm 1965, phát hiện có đơn vị chủ lực của ta đóng quân tại Vạn Tường, quân Mỹ đã mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường, nhằm tiêu diệt Trung đoàn Ba Gia, gây uy thế cho quân Mỹ. Sáng 18.8.1965, một lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, mở cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân tiến vào Vạn Tường.

Để đối phó lại với hỏa lực mạnh của địch, Trung đoàn Ba Gia đã phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích thực hiện kế hoạch tác chiến dựa vào các hầm sâu và các vị trí chiến đấu ngụy trang kín đáo. Các mũi tiến công của quân địch đều vấp phải hệ thống bãi mìn, hố chông, vật cản, khiến đội hình địch bị dồn ứ và bị bộ đội ta tiến đánh, dùng hỏa lực tiêu diệt. Hệ thống chiến hào, lợi thế về địa hình ở khu vực Bình Hải, Bình Hòa là "vũ khí" lợi hại mà Trung đoàn Ba Gia, cùng dân quân du kích địa phương đã sử dụng hiệu quả trong trận đánh Vạn Tường, khiến cho thủy quân lục chiến Mỹ không thể “tìm diệt” quân giải phóng.

Trong cuộc hành quân “Ánh sáng sao”, quân Mỹ hoàn toàn chủ động tổ chức hành quân, lựa chọn chiến trường, đối tượng, thời gian và cách đánh, tập trung lực lượng gấp nhiều lần quân giải phóng và có ưu thế tuyệt đối về binh khí kỹ thuật, nhưng sức mạnh của Hoa Kỳ đã thất bại. Hãng AP (Mỹ) thuật lại lời một số sĩ quan Mỹ đã tham chiến trong cuộc hành quân "Ánh sáng sao": "Trận đánh này giống như trận đánh Okinawa trong Thế chiến thứ hai... Việt Cộng (cách gọi quân giải phóng) xuất hiện từ trong các hầm hố mà lính thủy đánh bộ không trông thấy. Việt Cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng".

Các hiện vật, hình ảnh được lưu giữ ở Quần thể di tích quốc gia Chiến thắng Vạn Tường là minh chứng cho sự ác liệt của chiến tranh, lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta. Đó cũng là bài học sinh động nhất để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

 


.