Công an tỉnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng

09:06, 09/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình hình tham nhũng, lãng phí diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi trên nhiều lĩnh vực, Công an tỉnh đã tăng cường công tác nắm tình hình, xác minh tin nóng phản ánh dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm.

TIN LIÊN QUAN

 
Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Thanh Trang cho biết, những năm gần đây tình hình tham nhũng, lãng phí xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản - tài chính, ngân hàng, tài nguyên khoáng sản, nhà đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giáo dục, y tế, chính sách đối với người có công... gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
 
Để thực hiện có hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCTN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.
 
Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN.
 
Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp PCTN; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài được phát hiện. Phương châm trong đấu tranh PCTN của công an là tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai. 
 
 

Công an tỉnh đảm bảo ANTT trong phiên tòa xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của

Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Dự án thủy điện Đăkđinh.

 
Các lực lượng chức năng Công an tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền các cấp trong điều tra, xác minh các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng. Từ đó kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác minh, thụ lý, tích cực nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án tham nhũng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
 
Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp với Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh thực hiện Quy chế phối hợp trong tiến hành tố tụng hình sự. Qua đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đại tá Nguyễn Thanh Trang, công tác PCTN vẫn còn nhiều hạn chế, một số đơn vị còn chậm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn về tội phạm tham nhũng.
 
Ở nhiều lĩnh vực vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử... Bởi một số quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý tài sản công, quản lý tài chính, đất đai, nhà ở, xây dựng, đấu thầu, cấp phát vốn đầu tư, cổ phần hoá... còn chồng chéo.
 
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, PCTN chưa được đẩy mạnh; chưa khuyến khích hiệu quả việc tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng; cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa tốt. Một số vụ án tham nhũng sau khi kết thúc quá trình điều tra, viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố, toà án xét xử tuyên phạt bị cáo về tội có khung hình phạt nhẹ hơn tội mà viện kiểm sát truy tố nên tạo hoài nghi trong nhân dân.
 
Những bất cập nói trên cần sớm được khắc phục, cùng với đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh tố giác. Có như vậy, mới đẩy lùi nạn tham nhũng, củng cố niềm tin trong nhân dân.  
 
 
BÁ SƠN
 
 
 

.