"Đội quân tóc dài"

02:05, 01/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", trong những năm đánh Mỹ, trên chiến trường Khu 5 ác liệt, "đội quân tóc dài" luôn xung kích trên trận tuyến chống quân thù. Những cống hiến, hy sinh to lớn của các chị đã tô thắm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ  Việt Nam và truyền thống của LLVT Quân khu 5.

TIN LIÊN QUAN

Vang danh “Tiểu đoàn Bà Thao”

Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu 5) có 98% quân số là nữ, được thành lập đúng vào dịp kỷ niệm 58 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8.3.1968). Với biên chế  hơn 600 cô gái đang tuổi xuân thì do chị Phạm Thị Thao (lúc ấy mới 18 tuổi) làm Tiểu đoàn trưởng. Đơn vị được nhân dân đất Quảng và Khu 5 yêu mến gọi bằng tên "Tiểu đoàn Bà  Thao”.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy - Phó Tư lệnh Quân khu 5 nói chuyện với nữ cựu quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy - Phó Tư lệnh Quân khu 5 nói chuyện với nữ cựu quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng.


Trải qua 4 năm công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, dấu chân các nữ chiến sĩ Tiểu đoàn đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9 Nam Lào, từ dốc Lò Xo đến Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le, đèo Phượng Tổng... Tiểu đoàn trở thành ngọn cờ tiêu biểu của ngành hành lang vận tải Khu 5. Tập thể đơn vị và Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị thao, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhớ lại ký ức thời hoa lửa, chị Phạm Thị Thao kể:“Không chỉ đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường, gùi cõng thương binh về tuyến sau, sẵn sàng chiến đấu đánh địch bảo vệ hàng, bảo vệ đường hành lang, đơn vị còn xuống đồng bằng chuyển gạo, muối, mở đường, dựng nhà, làm kho chứa hàng, sản xuất chăn nuôi tại chỗ. Trong chiến dịch xuân hè của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chỉ tiêu trên giao 40kg/người/chuyến, chị em phấn đấu tăng trọng lượng lên gấp đôi, có chị đạt trên 100kg/chuyến và hơn nữa. Mỗi năm, Tiểu đoàn vận chuyển bình quân gần 2.000 tấn hàng, với quãng đường rừng đi bộ ước hàng vạn kilômét”.

Hai nữ anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao (trái) và Nguyễn Thị Huấn.
Hai nữ anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao (trái) và Nguyễn Thị Huấn.


 Niềm tin mãnh liệt ấy đã thôi thúc và tiếp sức cho các nữ quân nhân vượt lên gian khổ, vượt lên chính mình. Cao 1,55m, vóc dáng mảnh mai, song chị Nguyễn Thị Huấn, Chính trị viên phó Đại đội 2 đã làm nên điều phi thường: Mang vác lượng hàng nặng gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể của mình. Đầu năm 1972, Tiểu đoàn được giao vận chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có một khẩu súng cối 120mm vừa nặng, vừa cồng kềnh, gùi cá nhân không nổi mà khiêng 2 người leo dốc cao lại không bảo đảm an toàn. Nguyễn Thị Huấn xung phong nhận trách nhiệm này về mình. Suốt đêm đó chị thức trắng, tìm mọi cách buộc dây, gùi thử. Lúc đầu đứng dậy không nổi vì đế súng nặng 125kg, chân đế lại đưa ra ngoài rất vướng víu. Gần sáng chị mới tìm ra cách chèn thêm gỗ vào. Hôm sau, chị gùi đế cối vượt qua khe Chín Khúc, leo qua ngọn đồi Thanh Sơn đến được điểm giao hàng đúng thời gian quy định. Lần khác, chị cõng nòng ĐKZ75mm rất dài, vừa đi vừa cầm rựa phát dây leo trên đầu, có lúc bị vấp ngã, cả người lẫn hàng lăn xuống dốc.

Còn chị Phạm Thị Sen, Chính trị viên phó Đại đội 4 nhớ như in kỷ niệm đau đớn: “Năm 1972, được lệnh hành quân sang Trà Ôn để đưa hàng ra mặt trận. Đang mùa mưa, chị Trần Thị Lâu, Chính trị viên phó Đại đội 3 vừa lội đến giữa dòng suối Nước Chè (Quảng Nam) thì một cơn lũ từ đầu nguồn tràn xuống, nước chảy xiết, cuốn phăng cả người cùng gùi hàng nặng suýt soát một tạ. Chị ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn đơn vị”.

Những cống hiến thầm lặng của nữ cựu quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng

Ngày 2.9.1965, tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định), Sư đoàn 3 (còn gọi là Sư đoàn Sao Vàng) được thành lập. Đây là Sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Mười năm chống Mỹ, Sư đoàn đã lập nên những chiến công vang dội trên khắp chiến trường Khu 5, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đội hình Sư đoàn ngày ấy, có hơn 700 nữ quân nhân là con em các vùng quê giàu truyền thống cách mạng: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Nam…

Kiện tướng gùi hàng Nguyễn Thị Huấn gùi vũ khí nặng 125kg ra chiến trường.          Ảnh: Tư liệu
Kiện tướng gùi hàng Nguyễn Thị Huấn gùi vũ khí nặng 125kg ra chiến trường. Ảnh: Tư liệu


Các chị thoát ly gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ, là những thanh niên, học sinh, chiến sĩ giao liên, du kích các vùng địch tạm chiếm tình nguyện đi phục vụ chiến đấu. Với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và khát vọng giải phóng quê hương, trong gian khổ hiểm nguy, dưới mưa bom bão đạn, các nữ quân nhân vẫn một lòng một dạ kiên trung, chiến đấu tiêu diệt quân thù, không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào được giao: Nuôi quân, y tá, vận tải, tải thương hay trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù.

Lịch sử Sư đoàn còn ghi: Những cô gái Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát hay hát, hay cười như chị Nguyễn Thị Liên, Mai Thị Mến, Nguyễn Thị Vân, Đinh Thị Én... mang trên vai thường xuyên từ 70-115kg, bền bỉ dẻo dai hết chuyến này đến chuyến khác. Chị Nguyễn Thị Út quê Mỹ Hiệp đã mua và vận chuyển 1.000 kg gạo trong vùng địch hậu chuyển lên căn cứ Sư đoàn... Mùa xuân năm 1968, thời khắc giao thừa, 2 nữ quân nhân đã hy sinh trên đường vận chuyển...


Không thể nào nói hết những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh thầm lặng của “Đội quân tóc dài”. Tuổi xuân và xương máu của những nữ cựu quân nhân Tiểu đoàn Bà Thao, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã góp phần làm nên bản anh hùng ca của dân tộc: Đại thắng mùa Xuân 1975.


 Bài, ảnh: NGỌC DIỆP

                                                                                                                                         


 


.