Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Vạn Tường (18.8.1965 - 18.8.2015):
Chiến thắng của tầm cao trí tuệ

09:08, 18/08/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chiến thắng Vạn Tường (Bình Hải- Bình Sơn) diễn ra vào ngày 18.8.1965, cách nay vừa tròn 50 năm là sự thể hiện sinh động tinh thần cách mạng tiến công, mưu trí, dũng cảm, tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân Quảng Ngãi với bộ đội chủ lực Quân khu 5. Nếu như chiến thắng Ấp Bắc mở đầu cho cao trào diệt ngụy, thì chiến thắng Vạn Tường mở đầu cho cao trào diệt quân viễn chinh Mỹ. Đây là trận đánh rất oanh liệt, giáng vào lính thuỷ đánh bộ, một binh chủng tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ.

TIN LIÊN QUAN

   
* Diễn biến và ý nghĩa sâu sắc
    
Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi và thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công địch.  Đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "chiến tranh đặc biệt". Đồng thời gấp rút đưa lực lượng lớn của quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam.           
    
Ngày 19.5.1965, nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của Bác Hồ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phát động phong trào thi đua "Quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược". Ở Quảng Ngãi, sau trận tiêu diệt quân Mỹ ở bến Tân Hy (Bình Đông, Bình Sơn), phong trào "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" dâng lên mạnh mẽ .
    
Sau chiến thắng Ba Gia vang dội (tháng 5.1965), Trung đoàn 1 Bộ binh chủ lực Quân khu 5 được mang tên Trung đoàn Ba Gia về đứng chân ở các xã Bình Hải, Bình Hoà, Bình Phú, Bình Tân (đông Bình Sơn).
    
Cùng thời điểm này, các sư đoàn lính thuỷ đánh bộ số 1 và số 3 Mỹ đóng quân ở các căn cứ Đà Nẵng và Chu Lai, phát hiện một đơn vị quân giải phóng đóng ở thôn Vạn Tường, thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, một khu vực sát biển, cách căn cứ Chu Lai khoảng 17km về phía đông - nam. Quân Mỹ coi đây là địa điểm để xuất quân, phối hợp được cả hải, lục, không quân, có lợi cho việc phát huy ưu thế hoả lực và phương tiện kỹ thuật của quân đội Mỹ… Vì vậy, Bộ Tư lệnh lính thuỷ đánh bộ Mỹ quyết định mở cuộc hành quân "Ánh sáng sao" nhằm bao vây tiêu diệt bộ đội chủ lực ta ở Vạn Tường.
    

Xác xe tăng của quân địch đang đặt tại khu di tích Vạn Tường. Ảnh TL
Xác xe tăng của quân địch đang đặt tại khu di tích Vạn Tường. Ảnh TL


Đêm 17.8.1965, hơn chục tàu chiến thuộc Hạm đội 7 - Mỹ xếp hình vòng cung ngoài khơi liên tục bắn pháo vào thôn Vạn Tường và các điểm cao xung quanh.

Ngày 18.8.1965, một lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, mở cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân tiến vào Vạn Tường. Ngoài ra, cả ngày 18/8/1965, hàng trăm máy bay phản lực xuất kích hơn 1.000 lần, 10 tàu chiến Mỹ bắn liên tục trên 5.000 quả đại bác, cùng với 8.000 lính Mỹ được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân, tấn công vào Vạn Tường.

Với quân số đông, được sự hỗ trợ đắc lực của máy bay, pháo binh, quân Mỹ hy vọng sẽ tiêu diệt quân ta trong thời gian ngắn nhất. Nhưng chúng đã sai lầm; Trung đoàn 1 ở Vạn Tường cùng với quân và dân địa phương đã có phương án và kế hoạch sẵn sàng chiến đấu.

Suốt một ngày đêm chiến đấu quyết liệt, liên tục, quân và dân Quảng Ngãi đã phối hợp nhịp nhàng với Trung đoàn chủ lực Quân Khu 5, Đại đội 31 địa phương, dân quân du kích các xã Bình Phú, Bình Trị, Bình Hoà, Bình Hải đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân lớn mang tên "Ánh sáng sao" của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 919 tên Mỹ, bắn cháy, bắn hỏng 22 xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi 13 máy bay và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của chúng.

Chiến thắng Vạn Tường chứng tỏ quân và dân ta có khả năng đánh bại hoàn toàn quân Mỹ xâm lược, dù chúng có ưu thế về số lượng, về hỏa lực và cơ động, mở đường cho các đơn vị chủ lực của ta tiếp tục phát triển thế tiến công, tập trung đánh những trận tiêu diệt từng đơn vị cơ động của Mỹ. Đây là sự mở đầu và cũng là sự báo hiệu những thất bại, phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ.

Cùng với chiến thắng Ba Gia, chiến thắng Vạn Tường đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Nổi bật nhất về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; giữa tiến công tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang với nổi dậy của quần chúng, giành quyền làm chủ.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta lần thứ XII, ngày 27.12.1966 Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: "… Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Xta-lin-grát là một bước ngoặt chứng tỏ rằng quân phát xít Hít-le không phải không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực so với quân Giải phóng…".

Chiến thắng Vạn Tường còn thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi; tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Bình Sơn, Quảng Ngãi. Chiến thắng Vạn Tường mãi mãi đi vào lịch sử nước ta và tỉnh nhà như một chiến công to lớn, chói lọi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 * Những thành tựu nổi bật, to lớn

 

Một góc Khu đô thị Vạn Tường.
Một góc Khu đô thị Vạn Tường.

Từ một vùng chiến trường khốc liệt năm xưa, ngày nay diện mạo của vùng đất Vạn Tường, Bình Hải đã và đang có nhiều đổi thay khởi sắc, phát triển vượt bậc. Nhìn rộng ra các xã: Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải… là nơi đã hình thành Khu Kinh tế Dung Quất, được định hướng thành hạt nhân tăng trưởng và trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và làm động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa ở khu vực miền Trung và trong cả nước.

Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất có 122 dự án đăng ký đầu tư, với số vốn đăng ký 10,6 tỷ USD, trong đó có 80 dự án đã đi vào hoạt động, với số vốn  hơn 5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong số này có 5.165 lao động người địa phương; là biểu hiện khá sinh động về kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Phát huy tinh thần chiến thắng Vạn Tường, nhất là sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Đảng bộ và Nhân dân huyện Bình Sơn đoàn kết khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, vừa chăm lo củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị. Đặc biệt, sau 26 năm tái lập tỉnh, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Bình Sơn có những bước phát triển vượt bậc.

Đến 2015, giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 4.130 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 30,5 triệu đồng/năm. Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ đều phát triển tương đối toàn diện, đúng định hướng. Diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhất là các xã khu Đông huyện thuộc địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Nhiều cơ sở thương mại - dịch vụ đã hình thành và phát triển tập trung chủ yếu tại các xã Bình Trị, Bình Thuận, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Hải, Bình Hòa và Bình Chánh, nhất là ở xã Bình Hải.

Có thể khẳng định: sau 50 năm nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, huyện Bình Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế của huyện đang từng bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá, tăng về giá trị và giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; việc xây dựng nông thôn mới đã có sự lan tỏa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của người dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thu được một số kết quả bước đầu khá quan trọng...

Công tác chính trị tư tưởng có nhiều tiến bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường; phương thức hoạt động trong công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; hoạt động của HĐND và UBND các cấp hiệu quả hơn.

50 năm qua, kể từ chiến thắng Vạn Tường lịch sử, nhất là 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Sơn, Đảng bộ và nhân dân các xã khu đông Bình Sơn, Bình Hải - Vạn Tường đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn gian khổ để vươn lên phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
       
Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Vạn Tường là dịp để Đảng bộ và nhân dân các địa phương hiểu rõ hơn về tầm vóc của chiến thắng lịch sử; tích cực thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 

Tuấn Anh

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


              
 


.