Người anh hùng sang lào đánh Mỹ

02:04, 26/04/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đại tá, anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375-Quân chủng Phòng không Không quân, quê ở thôn Sa Bình (Phổ Minh, Đức Phổ). Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được biết đến là một cán bộ tài năng, dám nghĩ dám làm.


Hạ gục “trận địa pháo trên không”    

Từ giữa tháng 12.1971, không quân Mỹ tăng cường cho máy bay AC-130 đánh phá trên cửa khẩu tuyến hành lang 559, gây không ít khó khăn cho lực lượng vận tải của ta. Đây là loại máy bay cường kích được cải tiến từ máy bay vận tải C-130, được trang bị các hệ thống máy móc hiện đại. Vũ khí của nó gồm có hai khẩu súng máy 7,62mm, pháo 20mm; hai pháo 40mm khi bắn không có ánh lửa đầu nòng. “Vì thế, chúng được mệnh danh là trận địa pháo trên không”- Đại tá Nguyễn Lành lý giải. Máy bay AC-130 khi đánh phá các mục tiêu giao thông, thường bay ở độ cao từ 3 đến 5km theo quỹ đạo hình elip liên tục, cao hơn hỏa lực pháo phòng không cỡ nhỏ, tốc độ bay từ 90 đến 100 m/s và luôn có một tốp máy bay F-4 bay cao hơn để yểm trợ và đánh bổ sung.
 

Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 67 rút kinh nghiệm sau trận đánh tại Nghệ An năm 1968 (Đại tá Nguyễn Lành đứng thứ 2 từ phải sang. Ảnh do nhân vật cung cấp).
Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 67 rút kinh nghiệm sau trận đánh tại Nghệ An năm 1968 (Đại tá Nguyễn Lành đứng thứ 2 từ phải sang. Ảnh do nhân vật cung cấp).


Cuối tháng 12.1971, Tiểu đoàn tên lửa 67 (Trung đoàn 275) có nhiệm vụ hành quân sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), tổ chức đánh máy bay AC-130 bảo vệ tuyến đường 559. “Chỉ khoảng hai chục cây số, nhưng chúng tôi phải đi mất tám đêm. Đến nơi, 10 quả đạn mang đi đã cháy 2, hỏng 6 vì bị AC-130 bắn. Con người, khí tài đều bị tổn thất. Đơn vị bị thương hơn 10 cán bộ, chiến sĩ”. Sau nhiều ngày nếm mật nằm gai, ngày 29-3-1972, dưới sự chỉ huy của Thượng úy, tiểu đoàn phó Nguyễn Lành, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 67 đã bắn rơi chiếc máy bay AC-130 ở cự ly 11km, chấm dứt hoạt động của “bóng ma trên đường Trường Sơn”.

Đại tá Nguyễn Lành hồi tưởng: “Không thể nào tả nỗi niềm vui của cán bộ, chiến sĩ lúc đó. Chúng tôi mở cửa xe, ôm nhau nhảy trong ánh sáng của chiếc máy bay bị bốc cháy”. Hai quả đạn cuối cùng của Tiểu đoàn 67 đã diệt được AC-130. Tin chiến thắng lan nhanh, Tư lệnh Đường 559 Đồng Sĩ Nguyên quyết định thưởng cho đơn vị một xe lương khô, một con bò và một cái đài, về nước sẽ nhận sau. Đường 559 đã thông, Tiểu đoàn 67 hành quân về Quảng Trị tham gia chiến dịch Quang Trung trong “mùa hè đỏ lửa”1972.

Cuộc hội ngộ sau 21 năm

Tháng 3.1975, Thượng úy Nguyễn Lành, Tham mưu phó Trung đoàn  tên lửa 275 (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không Không quân) nhận nhiệm vụ đi tiền trạm để đưa đơn vị hành quân vào Quân khu 5. Từ Thanh Hóa, anh cùng 2 sĩ quan và 4 chiến sĩ trên một chiếc xe “vọt tiến” của Trung Quốc (loại xe giống xe Gat 63 của Liên Xô) tổ chức lên đường.

Khi tổ tiền trạm đến Tam Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Lành nhận được cuộc điện thoại có nội dung: “Đồng chí Lành về Quảng Ngãi ghé vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc gặp người thân”. “Lúc ấy, tôi rất ngạc nhiên. Vì tôi thoát li ra miền Bắc từ năm 10 tuổi, có ai biết tôi về miền Nam đâu. Đến thị xã Quảng Ngãi, ghé vào chỗ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đứng chân, tôi nghe bảo có người anh cần gặp. Tôi cũng không biết là anh nào”, Đại tá Nguyễn Lành cho biết. Nhớ lời thủ trưởng dặn, Nguyễn Lành xin gặp anh Tân. Một đồng chí du kích liền dẫn anh đến phòng Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi. Hai người gặp nhau, Nguyễn Lành mới nghe anh giới thiệu là anh rể thứ sáu, chồng chị Nguyễn Thị Xinh. Khi anh chị cưới nhau, Lành đang ở miền Bắc. “Anh Tân, chị Xinh chính là nhân vật vợ chồng Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Năm Tân mà Nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng nhắc tới”, cựu chiến binh Nguyễn Lành bùi ngùi chia sẻ.

Chuyện đời của Anh hùng Nguyễn Lành được ông kể lại trong cuốn hồi ký “Từ chốn Sa Bình”. Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long
Chuyện đời của Anh hùng Nguyễn Lành được ông kể lại trong cuốn hồi ký “Từ chốn Sa Bình”. Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long


Qua lời anh rể, Nguyễn Lành được biết chị Xinh hiện đang làm chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đức Phổ. Vào đến thị trấn Đức Phổ, anh được mọi người chỉ đến cô nhi viện là nơi đứng chân của Hội phụ nữ huyện. Tuy nhiên, cơ quan này không có ai tên là Nguyễn Thị Xinh. Anh nghĩ bụng: “Rõ ràng là anh Tân bảo chị làm việc ở đây, nhưng điện thoại không có nên không thể liên lạc với anh được”, rồi quay sang hỏi mấy người tự vệ: “Ai là chủ tịch hội phụ nữ ở đây?”. Họ trả lời: “Cô Nguyễn Thị Bích Lâm”. Nguyễn Lành cảm ơn, vội đi vào tìm bà chủ tịch với hy vọng bà này biết chị Xinh.

Nghe nói có người muốn gặp chị Lâm, từ phòng chủ tịch hội, một người phụ nữ gầy gò trên tay bế con bước ra. Chị bất ngờ đứng sững lại nhìn anh rồi lao đến, òa lên khóc và nói: “Lành! Lành! Em còn sống thật rồi. Chị Xinh của em đây”. Nguyễn Lành ngỡ ngàng. Mới 35 tuổi, do hoạt động cực khổ nên chị Xinh tiều tụy như một bà già. Anh nghẹn ngào ôm lấy chị và cháu. Những giọt nước mắt của sự dồn nén tình cảm chị em trong 20 năm cứ thế tuôn trào.

“Bấy giờ, tôi mới hiểu khi đi hoạt động, chị tôi đã đổi tên thành Nguyễn Thị Bích Lâm. Không có thời gian để hàn huyên, tôi rút vội phong lương khô trao cho cháu rồi vội vã lên đường”, Đại tá Nguyễn Lành bâng khuâng kết thúc câu chuyện.
 

NGUYỄN AN KHÁNH
 


.