Bước qua bóng tối...

10:10, 16/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Họ là những người đã từng vấp phải những lỗi lầm trong quá khứ, thế nhưng với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ, động viên của cộng đồng, họ đang từng ngày, từng giờ tự khẳng định mình từ chính đôi chân từng vấp ngã.
Tìm lại cuộc đời
 
Theo chân các chiến sĩ công an huyện Trà Bồng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Mai Quang Thắng ở thôn Bắc, xã Trà Sơn. Năm 1997, anh Mai Văn Thắng rơi vào vòng lao lý, bị giam giữ cải tạo thời hạn 18 tháng với tội Vi phạm các quy định về kiểm tra bảo vệ rừng. 
 
Trở về sau lần vấp ngã, lầm lỗi luôn mang trong mình những nỗi mặc cảm, tự ti... Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các cấp, ngành tại địa phương, anh Thắng gạt đi những lời thị phi, quyết tâm phấn đấu làm ăn, lấy lại niềm tin cho gia đình và xã hội. 
 
Bên ấm trà nóng, anh Thắng chia sẻ: Hết hạn tù, trở về với cộng đồng, nhiều đêm tôi nằm suy nghĩ, làm thế nào để kiếm kế sinh nhai. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tôi vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mới đầu tôi chỉ mở quán nhỏ, dần dần có kinh nghiệm tôi mở rộng quán dần lên, khách hàng ngày càng đông lên. Nhờ đó, mà gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định, nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng.
 
Với những nỗ lực của bản thân, giờ đây, anh Thắng đã có cơ ngơi khang trang, thu nhập mỗi năm trung bình hơn 300 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, bây giờ gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên là hộ có kinh tế khá tại địa phương. Anh Thắng được chính quyền địa phương ghi nhận, người dân cảm phục trước nghị lực của anh. 
 
Cuộc đời anh Thắng bước sang một trang mới tươi sáng, còn quá khứ lầm lỗi chỉ còn là một tiếng vọng nhắc anh sống tốt hơn, đẹp hơn. Hiện nay, anh Thắng không chỉ trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi mà anh còn tìm cách giúp đỡ, nhận những người không có việc làm vào cơ sở kinh doanh của mình với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng trở lên. 
 
Em Lê Anh Văn bắt đầu làm lại cuộc đời từ nghề điêu khắc gỗ của gia đình
Em Lê Anh Văn bắt đầu làm lại cuộc đời từ nghề điêu khắc gỗ của gia đình.
 
Còn với em Lê Anh Văn (21 tuổi) ở khu dân cư 9, thị trấn Trà Xuân, cũng từng vướng vào vòng lao lý với tội trộm cắp tài sản. Những năm tháng trong tù, được sự quan tâm giúp đỡ, động viên tinh thần của cán bộ quản giáo, cùng với ý chí quyết tâm muốn hoàn lương đã cho Văn động lực để cải tạo tốt, được tha tù trước thời hạn. Sau 2 năm cải tạo, bây giờ về lại địa phương, Văn cố gắng phụ giúp gia đình, học nghề điêu khắc gỗ từ cha để có một tương lai ổn định hơn. 
 
Hôm chúng tôi đến, Văn tiếp chuyện với gương mặt lấm tấm mồ hôi vì đang cùng cha hoàn thành các sản phẩm điêu khắc gỗ để kịp giao cho khách hàng. Chia sẻ về lỗi lầm của mình trước đây, Văn bùi ngùi: Khi vào tù mình đã nhận ra sai trái, lầm lỗi và thực sự rất ân hận về những việc đã làm. Nhất là nghĩ về gia đình ở nhà vì mình mà vất vả, chịu nhiều tai tiếng. Bởi vậy mình đã cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt. Cán bộ quản giáo cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình sớm về với gia đình.
 
Trở về nhà, được sự quan tâm động viên của gia đình, chính quyền địa phương, Văn đã vượt lên hoàn cảnh và khẳng định được chính mình. "Bây giờ về đây mình cố gắng làm việc thật tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình và phụ giúp gia đình. Hiện tại, mình mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho mình được vay vốn để mở rộng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình- em Lê Anh Văn bộc bạch. 
 
Cộng đồng trách nhiệm
 
Đây chỉ là 2 trong số những người từng một thời lầm lỡ quyết tâm làm lại cuộc đời mà chúng tôi gặp trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng. Mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau nhưng những nhân vật mà chúng tôi được gặp, trò chuyện, họ đều có điểm chung: gạt bỏ quá khứ, hướng thiện, vươn lên thành người có ích cho xã hội.
 
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Trà Bồng có trên 109 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nắm bắt được tâm lý tự ti, mặc cảm của của những con người lầm lỗi, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương trong huyện đã có những chính sách phù hợp, đến thăm hỏi, động viên giúp họ nhanh chóng vượt qua mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, tạo việc làm và tạo điều kiện cho họ vay vốn, giúp người đã từng lầm lỗi có vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, tái hòa nhập cuộc sống cộng đồng. 
 
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi những con người từng một thời lầm lỡ
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi những con người từng một thời lầm lỡ.
 
Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng công an huyện Trà Bồng cho biết: Thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ "Quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù", những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương được địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả thiết thực.
 
Nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời, hầu hết số đối tượng khi trở về địa phương đều chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, của Đảng và nhà nước, các quy định của thôn, xóm, tích cực tham gia lao động sản xuất, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, 
 
"Thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục có những giải pháp phù hợp, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ để có chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định giúp họ có điều kiện tốt nhất vươn lên trong cuộc sống"- Thượng tá Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
 
 
 
Bảo Ngọc
 

.