Tên anh vẫn còn lưu mãi

02:04, 06/04/2013
.

(QNg)- Ngày 11/3/1945, sau hai ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, những chiến sĩ yêu nước ở căn an trí Ba Tơ nổi dậy chặt phá gông xiềng, cùng một số  đồng bào Hrê chiếm châu lỵ Ba Tơ ngay trong đêm và nhanh chóng xây dựng lực lượng để ngày 14/8 tràn xuống đồng bằng, rùng rùng trống mõ, xèng la, tầm vông giáo mác đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Ngãi, sào huyện của thực dân, phát xít giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Cuộc khởi nghĩa có sức lay động lớn về lòng tự tôn dân tộc, về “một mùa thu cách mạng Tháng Tám vùng lên như muôn triều sóng...”

Trong dịp kỷ niệm 40 năm trọng đại ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cử tôi và Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Tạ Hiền Minh cố gắng tìm bằng được tác giả bài hát “Du kích Ba Tơ”. Đang loay hoay thì được giáo sư nhạc sĩ Thế Bảo không chỉ mách cho nơi cụ thể mà còn cung cấp nhiều thông tin quý về người nhạc sĩ tài ba này.

 

Nhân dân huyện Ba Tơ tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ ngày 11/3/1945.
Nhân dân huyện Ba Tơ tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ ngày 11/3/1945.


Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, nhỏ hẹp, 64 Huỳnh Tịnh Của, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Dương Minh Viên luống cuống và cảm động nói:

Nhà chật quá, các anh chịu khó ngồi đỡ trên giường vậy. Sau khi thưa chuyện vui vẻ, Dương Minh Viên vào chái trong lục tục xách ra những kỷ vật mà ông còn lưu giữ tới giờ: Ống tre đựng nước uống hồi tập kết ra Bắc, cái bát ăn bằng gáo dừa, chiếc ba lô da vuông đã sờn mép, bộ quân phục, ruột nghé đựng gạo, chiếc áo trấn thủ đều bằng vải xi ta xám tự túc của Liên khu 5 thời kháng chiến chống Pháp.

Nhìn những vật kỷ niệm, thực tình chúng tôi rất xúc động và nghĩ, chỉ có người lính thực thụ mới thấm đẫm, trân trọng đến vậy, dù ông ở ngay giữa Sài Gòn hoa lệ.

Dương Minh Viên, sinh năm 1925, ở Hội An, thành phố cổ sầm uất nổi tiếng của Quảng Nam. Vừa học ở trường trung học Minh Viên, nhạc sĩ Dương Minh Viên theo học đàn violon với Vương Quốc Mỹ - một danh cầm nổi tiếng của miền Trung thời ấy. Vì hoàn cảnh gia đình, Dương Minh Viên phải bỏ học làm nghề chụp ảnh ở hiệu Lệ Ảnh.

Quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, Hội An, Dương Minh Viên gia nhập đội Tuyên truyền vũ trang Liên khu 5, vẫn mang theo cây đàn violon, nó đã cùng ông đi khắp các tỉnh Nam - Ngãi, Bình - Phú dạy cho các chiến sĩ, đồng bào ta ca hát. Dương Minh Viên dừng lại Quảng Ngãi lâu nhất và trực chiến trong Đội du kích Ba Tơ.

Nhờ có nghề chụp ảnh, Dương Minh Viên được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 bố trí đi dàn dựng, ghi lại những cảnh và người của đội du kích Ba Tơ với tướng Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn. Cảm phục tinh thần cuộc khởi nghĩa và tình cảm gắn bó giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Kinh, mùa thu năm 1949, Dương Minh Viên sáng tác bài “Du kích Ba Tơ”. Bài hát có sức cuốn hút mạnh mẽ, được Đài phát thanh Nam Bộ, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu rộng rãi, sau đó được in lần đầu ở Bình Định (in li tô) 2000 bản. Tác giả được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tặng 200 đồng (tiền tín phiếu) tương đương 100 ang lúa.

Tập kết ra miền Bắc, Dương Minh Viên được chuyển ngành, học lại violon ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học Viện Hà Nội) khóa đầu tiên 1956-1959. Tốt nghiệp, ông về dàn nhạc giao hưởng Việt Nam rồi chuyển qua Đài phát thanh giải phóng rồi Đài Tiếng nói Việt Nam 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Ba Tơ, nhạc sĩ Dương Minh Viên được mời về và ông ở nhà tôi. Đời sống những năm ấy rất khổ, nhưng quý ông, bà xã nhà tôi cũng ráng để có bữa ăn tươm tươm một chút: Tô canh chua, đĩa rau muống luộc, ít cá bống sông Trà kho tiêu, thế thôi, nhưng nhạc sĩ Dương Minh Viên áy náy vì “ăn sướng quá” và sợ tốn kém cho gia đình.


Quà của Ban tổ chức lễ và anh em văn nghệ gom góp, cộng lại được hơn 5 triệu đồng biếu ông (thời điểm đó, tiền có giá lắm), ông nói:

- Đời tôi, chưa bao giờ có được số tiền như rứa.
Ngay chiều hôm đó, ông ra bưu điện gửi về cho vợ “để bà ấy mừng!”.
Cảm động hơn, sau buổi lễ, trung tướng Nguyễn Đôn - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ kéo nhạc sĩ Dương Minh Viên ra ngoài hành lang, cởi chiếc nhẫn vàng, hơn một chỉ, chân thành nói:


- Chút quà nhỏ này, anh cầm lấy làm kỷ niệm về một thời “nằm gai nếm mật” với nhau.
Nhạc sĩ Dương Minh Viên, tay run run, tướng Nguyễn Đôn liền đỡ:

- Là lính với nhau, tớ rất thực bụng quý anh, mai kia rồi kẻ trước, người sau... nhưng tên anh vẫn còn lưu mãi.
Sau ngày đất nước thống nhất, bài hát Du kích Ba Tơ được tỉnh Nghĩa Bình rồi tỉnh Quảng Ngãi chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh, rồi Đài Phát thanh - Truyền hình.


Ngày ngày, hai buổi vang lên bản hùng ca sống động, đúng như trung tướng Nguyễn Đôn đã nói với nhạc sĩ Dương Minh Viên từ mùa thu năm ấy: Tên anh vẫn còn lưu mãi...        


Nguyễn Trung Hiếu

 


.