Vai trò của báo chí trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"

01:12, 24/12/2012
.

 


Trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", báo chí đã thông tin chính xác, kịp thời, động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng, đồng thời góp phần tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao.

TIN LIÊN QUAN


Những câu chuyện sau đây sẽ cho thấy những nỗ lực, dũng cảm, sáng tạo của những người làm báo trong 12 ngày đêm rực lửa "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, phần nào thể hiện vai trò to lớn của báo chí trong chiến dịch lịch sử này.

Nguồn sức mạnh “truyền lửa” vô giá

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân đã kể lại cho chúng tôi nghe hồi ức về một thời làm báo trong 12 ngày đêm rực lửa. Ngày ấy, cùng với hệ thống báo chí cả nước, báo Phòng không - Không quân là một trong những cơ quan chủ công đưa tin về chiến dịch.

 

  Quân dân Hà Nội vui mừng với chiến thắng B-52 (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Quân dân Hà Nội vui mừng với chiến thắng B-52 (Ảnh: Đoàn Công Tính)



Những đêm ngày đó, cả Tòa soạn không ai ngủ. Nghe tiếng bom B-52 nổ rền mà thương Hà Nội đến quặn lòng…Thời đó, có lúc, lực lượng của Báo Phòng không – Không quân được chia đôi, một nửa ở Hà Nội theo dõi tình hình phía Bắc, tiếp nhận bài vở, in ấn và phát hành; một nửa thường trú ở Sở chỉ huy tiền phương, lăn lộn cùng chiến trường. Đã từng nếm mật, nằm gai khắp các chiến trường nên việc chiến đấu và phản ánh trận đánh lịch sử tại Hà Nội này, mỗi phóng viên đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần…

Một sự kiện không thể nào quên với nhà báo Xuân Mai xảy ra vào ngày 22/12 năm ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Tiểu đoàn 77. Để có bài tường thuật sinh động phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam về sự có mặt của Thủ tướng trên trận địa đánh máy bay B-52, nhà báo Xuân Mai phải phát huy cao độ nhiệt huyết và sự nhạy bén của một phóng viên chiến trường.

Sau khi thu xong toàn bộ những cuộc nói chuyện của Thủ tướng, ông được cử đem cuốn băng lên Cục Tuyên huấn để phục vụ công tác tuyên truyền. Trên chiếc xe U-oát, ra đến ngã ba Ba La (Hà Đông) thì đường tắc vì dòng người tấp nập kéo nhau đi sơ tán. Trước dòng người chen chúc, chiếc xe không sao nhích lên được. Xuân Mai vội xuống xe gặp đồng chí công an, mở máy ghi âm cho nghe tiếng nói của Thủ tướng và trình bày nhiệm vụ khẩn cấp mình, đề nghị dẹp cho một lối đi. Anh công an rất hiểu nỗi lòng nhà báo, song vẫn đành bó tay vì đường đông quá.

Cho xe quay ngược lại con đường đất đê Mai Lĩnh, qua Đại Mỗ, qua thị xã Hà Đông, về đến khu vực “Cao-Xà-Lá”, giữa lúc bom Mỹ dội xuống, xe của ông phải tạm dừng, hết bom lại tiếp tục đi. Đến được Phòng Phát thanh Quân đội, đã quá nửa đêm. Ông Hồng Lân, Trưởng Phòng phát thanh kiểm tra cuốn băng, ghi nhận những cố gắng của phóng viên Báo Phòng không - Không quân và yêu cầu Xuân Mai viết ngay bài tường thuật về sự có mặt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên trận địa giữa những ngày đánh B.52. Ông ngồi viết ngay tại trụ sở của Nhà đài, trong lúc Hà Nội liên tiếp vang rền tiếng còi báo động xen giữa tiếng bom, đạn.

4 giờ sáng, bài viết dài hơn hai trang giấy được hoàn thành, vừa kịp phát vào chương trình thời sự 6 giờ sáng 23/12/1972, đã có sức cổ vũ động viên rất to lớn đối với bộ đội và nhân dân.

Không quản bom rơi đạn nổ, Xuân Át là một trong những phóng viên ảnh lăn lộn dưới bom B-52. Ngày 26/12, ban ngày ông đi ghi lại hình ảnh các điển hình chiến đấu những đêm trước trên trận địa tên lửa đóng ở Chèm, tối về nhà riêng ở số 60 ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên. Hơn 22 giờ, nghe còi báo động hú vang, đang đứng trước cửa rạp Dân Chủ, theo phản xạ của một phóng viên, ông về ngay nhà vác máy ra trực chiến. Thấy máy bay B-52 bị bắn rơi sáng rực phía Định Công, ông bấm liền hai kiểu. Một trong hai bức ảnh đó được coi là bức ảnh để đời của Xuân Át, cũng là một tư liệu quý giá, hiếm hoi.

Trong 12 ngày đêm lịch sử, trên những chiếc xe mô tô, các phóng viên của báo Phòng không - Không quân luôn có mặt ở các hướng, các trận địa. Các phóng viên Sông Châu, Vũ Đình Long đã từng phóng xe mô tô đi tận Hòa Bình chụp ảnh máy bay B-52 rơi, đem về cả mảnh xác máy bay của giặc lái.

Tại báo Quân đội nhân dân, những ngày cuối tháng 12/1972, ngày nào báo cũng có tin bài phản ánh cuộc chiến đấu của quân dân miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng đánh trả B-52. Ngày 30/12/1972, ngày cuối cùng của cuộc tập kích, báo dành toàn bộ trang 4 phản ánh cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của quân dân ta, với hàng tít đậm nét: “Đây là kết quả bước leo thang chiến tranh mới của Ních-xơn”, có các ảnh B-52 bị bắn rơi và 29 giặc lái bị bắt. Trên các trang báo Quân đội nhân dân, miền Nam có “Chuyện tù binh, hàng binh” thì ở miền Bắc có “Chuyện giặc lái pháo đài bay Hoa Kỳ”… ngoài ra còn có tập truyện ký dài kỳ viết theo kiểu tiểu thuyết chương hồi mang tên “Mỹ - Ngụy mạt vận ký”.

Trong những ngày đối đầu với B-52, vai trò của đài phát thanh vô cùng quan trọng. Vì vậy Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của B-52. 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 19/12, Mỹ đã ném bom đợt thứ 3 vào các khu vực Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (Mễ Trì), xã Nhân Chính, nhà máy Cao su Sao Vàng... tuy nhiên, đài chỉ bị ngừng mất 9 phút vì bom phang đứt dây ăng ten, sau đó đã tiếp tục hoạt động, chuyển sang đài dự bị do có sự hiệp đồng với bên Quốc phòng.

Đánh giá về vai trò của đài phát thanh trong chiến dịch lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến cho biết: “từ Bộ Quốc phòng, chúng tôi nhận được rất được nhiều điện ở chiến trường gửi về. Trong đó, các anh Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà kể rằng, lúc mất đài phát thanh, họ cực kỳ lo lắng, hoang mang, nhưng 9 phút sau nghe được đài thì họ sung sướng vô cùng. Ngày hôm sau, họ lại nghe tin B-52 rơi tại chỗ thì tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu càng được củng cố gấp bội. Bộ đội và nhân dân đang cầm súng chiến đấu vô cùng tin tưởng, nói với nhau rằng: “B-52 chỉ có thể lộng hành tại chiến trường miền Nam, thiếu vũ khí chứ khi dám mò ra ngoài miền Bắc, Hà Nội thì chỉ có chết”.

Cuộc họp báo lịch sử

Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao vai trò của báo chí khi đưa tin về chiến thắng B-52. Ngay trong đêm đầu tiên B-52 đánh phá và hai chiếc bị bắn rơi, Đại tướng đã gọi điện thoại cho Chính ủy Sư đoàn Phòng không Hà Nội Trần Văn Giang, nhấn mạnh: “Bộ đội vừa qua đánh tốt, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Cần phát huy thành tích tiếp tục bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Cả nước đang hướng về Hà Nội! Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội! Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể: “Đại tướng đặc biệt quan tâm tới việc phải tổ chức một cuộc họp báo quốc tế. Sáng sớm hôm sau, tại Tổng hành dinh, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị nhất trí hoàn toàn với nhận định tình hình và nhiệm vụ mà Quân ủy Trung ương đề ra, chuẩn y đề nghị về cuộc họp báo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ thêm: “Cần đem số giặc lái đã bắt được và cho chuyển ngay xác máy bay B-52 về cho các nhà báo xem”.

Không chỉ thế, chiều ngày 22/12, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã dành cho phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam cuộc trả lời phỏng vấn, cho phóng viên đến tận hầm chỉ huy thu thanh bài diễn văn của Đại tướng, đồng thời cũng để gián tiếp cải chính tin đồn của một hãng thông tấn phương Tây rằng Đại tướng bị tử thương vì bom B-52. Đại tướng còn trực tiếp duyệt và cho công bố bản thông cáo chiến thắng, ca ngợi chiến công oanh liệt của quân dân ta, tuyên dương công trạng các quân chủng, binh chủng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân, dân quân tự vệ và đồng bào các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội…

Trở lại với cuộc họp báo, mặc dù máy bay rơi từ đêm 18/12 nhưng đến khoảng 8 - 9 giờ ngày 19/12 ta mới cho đưa tin. Đây là cách làm thận trọng, khoa học, không tô hồng chiến thắng, chỉ công bố B-52 rơi sau khi đã xác minh chính xác. Việc xác định một cuộc họp báo quốc tế do Bộ Quốc phòng tổ chức ngay trong chiều 19/12 cũng là một cuộc họp báo đặc biệt chưa từng có, ý nghĩa lớn lao chưa từng có.

 

  Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đọc tin về ký kết Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Thủ đô vui mừng đón đọc tin về ký kết Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu)



Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại: “Ngày ấy, người giỏi tiếng Anh không nhiều nên chủ trì họp báo là ông Ngô Văn Thọ, Phó tư lệnh Binh chủng thông tin liên lạc, giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông Thọ cho biết chưa bao giờ làm chủ trì một cuộc họp lớn như thế. Vì vậy trước cuộc họp báo, một số cán bộ tuyên huấn của Bộ Quốc phòng đã phải cấp tốc “bồi dưỡng nghiệp vụ” về phương pháp chủ trì họp báo cho ông. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc này đã thật sự phát huy tác dụng, bởi trong cuộc họp báo, khi bộ đội ta đưa 6 tên giặc lái ra, các phóng viên nước ngoài đã ồ lên kinh ngạc và xúm vào hỏi lia lịa, làm cho quang cảnh cuộc họp báo trở nên khá nhốn nháo. Nhưng ông Thọ đã kịp thời điều chỉnh và đưa cuộc họp báo trở lại trật tự, làm cho cuộc họp báo thành công rực rỡ. Sáng hôm sau, hình ảnh những xác máy bay B-52 cùng giặc lái Mỹ xuất hiện trên các hãng truyền thông quốc tế lớn đã tạo nên một cơn “địa chấn” khắp toàn cầu, góp phần tạo nên chiến thắng trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao và đi tới việc kết thúc hoàn toàn cuộc đánh phá leo thang của không quân Mỹ./.


Theo Bảo Minh (ĐCSVN)

 


.