Chúng tôi là chiến sĩ

10:12, 20/12/2012
.

(QNg)- Sau 3 tháng nhập ngũ, 130 chiến sĩ mới, nhập ngũ đợt 2 năm 2012 đã kết thúc khóa huấn luyện tại Trung đoàn 887 và được điều động, bổ sung về nhận nhiệm vụ mới tại các đơn vị quân đội ở các địa phương. Ngày tuyên thệ dưới cờ, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, khuôn mặt chiến sĩ nào cũng đầy vẻ háo hức.

Trung tá Nguyễn Văn Toàn, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 887 cho biết, qua 2,5 tháng huấn luyện, nhận thức về chính trị của chiến sĩ mới đã được nâng lên rõ rệt: 100% chiến sĩ xác định tốt tư tưởng, yên tâm công tác, trong đó có 30% chiến sĩ tình nguyện ra công tác tại các đơn vị trên đảo Lý Sơn. Kết quả kiểm tra đánh giá cuối khóa của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về nhận thức chính trị đối với chiến sĩ mới đều đạt loại giỏi. Các môn kiểm tra khác đạt từ khá, giỏi trở lên, không có trường hợp đào, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép, vi phạm kỷ luật.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Thái Bình, ở  xã Sơn Hạ (Sơn Hà) động viên con an tâm nhận nhiệm vụ mới.
Vợ chồng ông Nguyễn Thái Bình, ở xã Sơn Hạ (Sơn Hà) động viên con an tâm nhận nhiệm vụ mới.


Vẫn những gương mặt chiến sĩ ấy, nhưng khi gặp lại họ, chúng tôi cảm nhận, ai cũng rắn rỏi hơn và… rám nắng hơn. Chiến sĩ Hà Đức Thanh (20 tuổi), quê ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) cho biết: "Mới vào quân ngũ mấy tháng mà em đã biết được thêm nhiều thứ. Sau thời gian huấn luyện, em mong chờ ngày được lên đường nhận nhiệm vụ. Đêm qua, em thao thức mãi không ngủ được". Khi được hỏi về động lực nào để em xung phong công tác ở đảo Lý Sơn, Thanh cho biết: Quân đội là môi trường tốt để thế hệ trẻ chúng tôi tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng. Tôi mong được ra đảo để thực hiện ước mơ của mình và để khẳng định tính tiên phong của thanh niên "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Tương tự, chiến sĩ Phạm Văn Nhâm (21 tuổi), ở xã Ba Liên (Ba Tơ) cũng có đơn tình nguyện được ra công tác tại đảo Lý Sơn. "Em đã tìm hiểu nhiều về biển đảo và muốn cống hiến sức trẻ của mình vào bảo vệ vùng biển đảo bình yên".

Trước mùa huấn luyện, Trung đoàn 887 đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và các chế độ khác. Trung đoàn dành hẳn một phòng làm hội trường riêng để chiến sĩ học tập, sinh hoạt tập trung. Các trang thiết bị cho sinh hoạt văn hóa, tinh thần của chiến sĩ cũng được tăng cường và cung cấp khá đầy đủ như hệ thống âm thanh, dàn karaoke, báo chí… Quyền dân chủ ở cơ sở cũng được đơn vị phát huy bằng việc tổ chức "Ngày chính trị văn hóa tinh thần", nhằm giải đáp các thắc mắc của chiến sĩ, giúp chiến sĩ an tâm tư tưởng để học tập, công tác.

Ngoài ra, trong thời gian huấn luyện, Trung đoàn còn bảo đảm tốt chế độ tiêu chuẩn ăn cho chiến sĩ, tổ chức tăng gia được hơn 1.700 kg rau xanh; 1.600 kg thịt, cá, đưa thêm vào khẩu phần ăn cho bộ đội 2.500 đồng/người/ngày. Nhờ đó, tỷ lệ quân số khỏe luôn được duy trì ở mức 99,8% và hầu hết các chiến sĩ đều tăng cân.

Từ xã Sơn Hạ (Sơn Hà), hai vợ chồng ông Nguyễn Thái Bình về Trung đoàn 887 để tiễn con trai Nguyễn Anh Kha trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Trong cuốn "Sổ tay chiến sĩ", ông dặn dò con khá kỹ lưỡng những việc cần thực hiện: "Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên; không tiêu xài lãng phí, phải chi tiêu đúng mục đích; chấp nhận thiếu thốn, tuyệt đối không tham lam những gì không phải của mình; đặt đạo đức lên hàng đầu…". Trên ánh mắt ông Bình lộ rõ vẻ tự hào khi thấy con trai mình trưởng thành hơn.

Thay cho lời kết bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời phát biểu của chiến sĩ Cao Xuân Bảo (Phổ Thạnh-Đức Phổ): "Khi chưa nhập ngũ, nghe nhiều người nói quân đội là một trường đại học tổng hợp, em cho rằng là cách nói theo sách vở. Thế nhưng, sau gần 3 tháng nhập ngũ, em mới thấy câu nói ấy thực sự đúng. Đến đơn vị mới, em luôn tự nhắc nhở mình phải làm sao để không phải xấu hổ khi gặp người thân, bạn bè".



Bài, ảnh: Thành Hân
 


.