12 ngày đêm chặn đứng tội ác của đế quốc Mỹ

04:12, 16/12/2012
.

40 năm đã trôi qua nhưng ký ức người Hà Nội và người dân cả nước vẫn không quên những sự kiện đã xảy ra trong những ngày cuối năm 1972 ấy. B52 rải thảm Hà Nội, máu rơi, nhà đổ… nhưng lòng người thì vẫn đứng vững.
 

Mỹ dội bom xuống miền Bắc
Mỹ dội bom xuống miền Bắc



Tháng 5/1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tăng cường Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương vừa trực tiếp đánh trả, vừa nghiên cứu cách đánh B.52.
 
Ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 - Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B.52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay B.52” của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng B.52 của địch, củng cố lòng tin, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân, đồng thời làm cơ sở biên soạn tài liệu hướng dẫn cách đánh B.52.
 
Quân chủng tổ chức Hội nghị cán bộ để thảo luận, phổ biến cách đánh B.52. Sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm; đôn đốc, kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị đánh trả cuộc tập kích đường không của địch.
 
Với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sự chủ động về chiến lược, chiến dịch, ta đã tổ chức xây dựng được thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp với các lực lượng chủ yếu là Bộ đội Rađa, Bộ đội Tên lửa Phòng không, Bộ đội Pháo Phòng không, Bộ đội Không quân tiêm kích và Lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
 
Ngoài ra, lực lượng công an nhân dân, cán bộ, nhân viên cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, đài phát thanh... và nhân dân toàn miền Bắc cũng được tổ chức chặt chẽ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tham gia giúp đỡ nhân dân sơ tán, giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, san lấp, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa, cao xạ, rađa, nguỵ trang cất giữ vũ khí, khí tài, báo động địch tấn công, tuyên truyền chiến thắng, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng cầm súng ngày đêm canh giữ bầu trời.
 
Như vậy, trước khi diễn ra cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc cuối tháng 12/1972, ta đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp, hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
 
12 ngày đêm anh dũng
 

Quân và dân ta vui mừng trên xác chiếc máy bay Mỹ
Quân và dân ta vui mừng trên xác chiếc máy bay Mỹ



Đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch 12 ngày đêm. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/ tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
 
Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12/1972 là một cuộc ném bom huỷ diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày và đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 10 ngàn tấn bom, đạn.
 
Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Ních-xơn muốn biến Hà Nôi thành Hi-rô-xi-ma và Na-ga-sa-ki không cần bom nguyên tử. Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
 
Vào đêm 26/12, sau một đêm nghỉ No-en, từ 21h 44 đến 23h 12, Mỹ đã huy động 105 lần chiếc B52 và 90 lần máy bay chiến thuật cùng lúc đánh phá vào 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, nhằm bảo đảm mật độ bom lớn hơn mật độ hỏa lực phòng không hòng gây sức ép qúa tải làm rối loạn hệ thống phòng không của ta.
 
Ở Hà Nội, địch tập trung 66 lần chiếc B52 đánh phá dã man nhiều khu vực. Ních-xơn đã ra lệnh cho B.52 rải thảm huỷ diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B.52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong Thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương… Cùng lúc, chúng huy động 21 lần chiếc B52 đánh phá nhà máy xi măng, Sở Dầu (Hải Phòng); 18 lần chiếc đánh phá ga Lưu Xá (Thái Nguyên). Đây là mức huy động cao nhất số lượng B52 trong đợt tập kích đường không chiến lược này.
 
Đáp trả lại, tại khắp các địa điểm Mỹ dội bom, quân dân ta đã anh dũng chống trả và giành nhiều thắng lợi to lớn, khiến cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B- 52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân.



Theo Toàn Trung/VnMedia


.