Nhân chứng sống “sự kiện Vũng Rô”

02:10, 06/10/2011
.

Sinh ra và lớn lên tại xóm 9, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, tháng 2-1964, Nguyễn Thanh An nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân và sau 3 tháng huấn luyện ông được điều về đoàn tàu không số (Đoàn 125 Hải quân).
 
Lên tàu với vai trò là một thủy thủ, sau đó, bằng sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân cùng những chuyến vượt biển đưa vũ khí vào miền Nam trên những con tàu không số đã tôi luyện bản lĩnh và ý chí cho ông ngày một trưởng thành. Đến đầu năm 1972 ông trở thành thuyền phó và cuối năm 1972 ông lên làm thuyền trưởng một trong những con tàu đó.

Về hưu với quân hàm Đại úy từ năm 1984 nhưng kỷ niệm về những lần cùng đồng đội dũng cảm vượt hiểm nguy, chiến đấu với kẻ thù, đưa vũ khí vào bến an toàn hay hình ảnh cùng đồng đội thay nhau cõng, cáng những đồng chí bị ốm, đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa.

“Mỏm đá lạ” ở sự kiện Vũng Rô

Mặc dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, cử chỉ hoạt bát, giọng nói hoạt sảng và ấm áp. Khi chúng tôi hỏi chuyện ông về những kỷ niệm đó, người cựu binh già nhắm đôi mắt đã điểm nếp nhăn của mình trong giây lát như để sắp xếp lại các mốc thời gian một lần cuối rồi trầm ngâm:

“Tháng 11-1964, sau khi vận chuyển thành công chuyến vũ khí vào Nam đầu tiên về xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, tàu chúng tôi ở lại Bến Tre 3 ngày rồi mới quay ra Hải Phòng để tiếp nhận chuyến vũ khí lần thứ 2.

Ngày 1-2-1965 (mồng 8 Tết Ất Tỵ), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 triển khai giao nhiệm vụ cho Tàu 143 gồm 18 người do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, Nguyễn Văn Thu và Hồ Sảnh làm thuyền phó, Chính trị viên là Phan Văn Bảng chở 63 tấn vũ khí rời Hải Phòng thẳng tiến vào Bình Định. Ban đầu, chúng tôi được lệnh cho tàu vào bến Lộ Diêu (Bình Định) để xuống hàng nhưng sau đó kế hoạch thay đổi. Do tình hình bến Bình Định khó khăn, Sở chỉ huy quyết định Tàu 143 không cập bến theo dự kiến mà chuyển hàng vào bến Vũng Rô (Phú Yên).

Ông An (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các đồng đội, những thủy thủ trên tàu không số.
Ông An (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các đồng đội, những thủy thủ trên tàu không số.
 
Tối ngày 15-2-1965, tàu chúng tôi vào bến Vũng Rô thay cho bến Lộ Diêu như đã định. Sau khi giao hết số hàng cho bến, 2 giờ sáng chúng tôi cho kéo neo để hành trình ra Bắc. Tuy nhiên, do tời neo hỏng nên chúng tôi phải hì hục sửa chữa mãi đến 5 giờ mới xong. Trời hửng sáng, tàu không còn thời gian rời bến. Để ban ngày địch không thể phát hiện thấy tàu, quân giải phóng địa phương đã chặt cây để ngụy trang cho tàu trông giống như một mỏm núi. 6 giờ sáng, cán bộ thuyền cho 6 người sơ tán lên bờ để tránh thương vong nếu trường hợp giao tranh xảy ra.

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 16-2-1965, một chiếc máy bay trực thăng UH-1B của Mỹ khi bay qua vùng biển Vũng Rô đã phát hiện một “mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô”, không giống với hình ảnh trong bức ảnh chụp trước đó. Ngay sau đó, địch điều một máy bay trinh sát đến Vũng Rô lượn nhiều vòng quan sát và chụp ảnh. Khoảng 12 giờ, máy bay trinh sát đến khu vực “mỏm núi lạ” và ném khói mù.
 
Chừng 5 phút sau, hai máy bay AD6 ném bom xăng vào mục tiêu làm cho lớp ngụy trang bị cháy và để lộ ra con tàu. Trong lúc đó, chúng tôi thu dọn giấy tờ, nhảy xuống biển và bơi vào bờ. Một lúc sau, địch cho 2 máy bay B57 ném bom và sử dụng rocket bắn xiên vào tàu. Suốt từ đó đến tối, địch liên tục ném bom khu vực xung quanh bến. May mắn không có ai hy sinh. Sau 3 đợt oanh kích của địch, tàu 143 bị chìm phía mạn trái.

Đến 5 giờ chiều ngày 16-2, 17 thành viên trên tàu đã bơi được vào bờ, trú ẩn trong một cái hang nhưng không thấy thuyền trưởng đâu cả. Do đã được huấn luyện một số kỹ năng nên tôi được chính trị viên Phan Văn Bảng cử đi cùng với đồng chí Nguyễn Xuân Bân để tìm thuyền trưởng. Chúng tôi chọn đường rừng để đi. Đi được nửa đường thì bị địch ném bom, quả bom rơi giữa tôi và anh Bân, tôi bị văng ra xa, bất tỉnh nằm ở hẻm núi không biết gì nữa.
 
Một lúc sau nghe tiếng chim kêu, tôi bừng tỉnh và biết mình vẫn còn sống. Lúc này, áp dụng những kiến thức đã học được, tôi mò mẫm xuống núi trong màn đêm, trong tay không có một thứ vũ khí nào. Một lát sau, tôi thấy 2 bóng đen chạy vượt qua. Bên kia nói: “Hải”. Đây đúng là mật khẩu của chúng tôi. Tôi đáp lại: “thuyền”. Hai bên mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Khi được dìu đến nơi tập kết, tôi mới biết đồng chí thuyền trưởng đã bị thương và được đưa đi cấp cứu.

“Mở đường máu” vượt vòng vây địch

Đêm đó, tàu địch neo đậu xung quanh khu vực Tàu 143. Chúng tôi mò ra chỗ tàu chìm để kiểm tra và thu dọn nốt những thứ còn lại trên tàu. Sau khi mò được 3 khẩu AK, chúng tôi tập trung về nơi ẩn náu.

Lúc này, điện trên cho biết, sáng ngày 17-2, địch sẽ đổ bộ 2 trung đoàn, quyết tâm bắt sống các chiến sĩ Việt Cộng. Đêm 16-2, chúng tôi đào một số vũ khí lên, lau chùi để sẵn sàng chiến đấu.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 17-2, tàu địch dàn hàng ngang ngoài biển, bắn phủ đầu khu vực chúng tôi thả hàng. Khi tàu địch dừng bắn thì trên không, máy bay lao xuống ném bom. Sau đó, chúng cho quân đổ bộ từ trên núi xuống, dưới biển tràn vào hòng bắt sống quân ta. Cấp trên ra lệnh cho tất cả các chiến sĩ mỗi người một vị trí chiến đấu. Với vũ khí chủ yếu là K44, cạc bin, ĐKZ, trung liên, quân ta đánh trả quyết liệt nên trong ngày 17 địch không tiếp cận được.

Sang ngày 18-2-1965, địch tiếp tục tràn vào. Cuộc chiến đấu ngày một quyết liệt hơn. 17 thủy thủ trên tàu phối hợp cùng một trung đội của tiểu đoàn 83 và du kích xã Hòa Hiệp đánh trả địch. Sau đó, địch dùng thủ đoạn ngừng bắn, không thả pháo sáng để lừa quân giải phóng, rút lui khỏi khu vực đó hòng bắt sống quân ta.
 
Tình hình diễn ra hết sức căng thẳng, trên quyết định cho một trung đội đặc công của Khu V xuống để phá tàu. Con tàu phát nổ nhưng chỉ bị vỡ đôi. Một nửa bị chìm, nửa còn lại đã bị quân địch dùng máy bay để cẩu đi (sau này tôi được biết là chúng mang đến triển lãm ở Sài Gòn). Mấy ngày sau đó, địch vẫn cho quân càn quét khu vực này và đã phát hiện ra một số vũ khí vừa được tàu chở vào và cho quân mang đi.  

Ngày 19 và 20-2, trước tình hình lực lượng chiến đấu chênh lệch, quân khu cho chúng tôi “mở đường máu” phá vòng vây của địch. Ở bến, quân giải phóng vẫn chiến đấu quyết liệt để bảo vệ số vũ khí mà các chuyến tàu khác chở vào trước đó. Theo chỉ thị, chúng tôi không được vượt trước 12 giờ đêm vì lúc này địch cho canh phòng hết sức nghiêm ngặt.
 
Được lệnh của trên, khoảng 2 giờ sáng, giao liên dẫn đường cho 17 người chúng tôi, cứ người nọ cách người kia 25m bò trên cát, đồng chí chính trị viên là người đi cuối cùng kéo một cành cây để xóa dấu vết. Đến 5 giờ sáng, chúng tôi cơ bản đã cách xa chỗ tàu chìm và trú vào trong hang đá, sẵn sàng chiến đấu. Lúc này lương thực, thực phẩm rất khó khăn, chủ yếu là sắn nướng, sắn luộc, lá sắn giã ra nấu canh.

7 ngày sau, chúng tôi tiếp tục hành quân tiến về phân khu ở Phú Yên. Giao liên bố trí cho mỗi người một cái nón, một cái giỏ và một cần câu ếch. Đến gần đường 1, chúng tôi nhận ám hiệu, nếu thấy một người phụ nữ mặc áo dài, đội nón, đi xe máy dừng lại và đưa nón lên quạt thì lúc đó có thể vượt đường. Hơn 5 giờ chiều, chúng tôi đến đường 1, thấy ám hiệu giống như bến báo cáo, chúng tôi vứt hết giỏ, cần câu ếch, nón rồi chạy.
 
Chạy được 300m thì chúng tôi bị địch phát hiện. Chúng dùng xe mô tô cơ động và dùng súng bắn. Đồng chí giao liên hô lên: “Các đồng chí không được chạy. Địch nó bắn thì nằm xuống chứ không được chạy. Tối rồi, địch không dám vào đây đâu”… Sau đó chúng tôi tiếp tục theo giao liên hành quân về nơi trú ấn ở địa điểm tiếp theo.

3 ngày sau, theo chỉ dẫn của giao liên, chúng tôi chia thành nhiều tốp, trà trộn vào dân, trong khi di chuyển chúng tôi lấy vải bọc súng AK lại để đảm bảo bí mật vũ khí. Sau đó 3 ngày, chúng tôi về tới phân khu và thời gian sau đó cùng với lực lượng giải phóng chiến đấu, bảo vệ phân khu khi địch tấn công.

Hành quân về đất Cảng

Tháng 8-1965, chúng tôi nhận lệnh của trên hành quân ra Bắc. Hằng ngày, trạm giao liên cho mỗi người 2 nắm cơm cùng một ít măng luộc. Khi hành quân đến Bình Định tôi bị đau khớp, mắt cá chân sưng to không thể đi tiếp được. Tôi báo cáo với chính trị viên cho mình ở lại để cùng chiến đấu với quân giải phóng. Đồng chí chính trị viên động viên: “Đồng chí phải cố gắng ra được miền Bắc nhận thêm những chuyến hàng để lại còn vào Nam nữa chứ”. Sau khi nghe những lời động viên của chính trị viên, tôi đã tiếp tục cuộc hành quân ra Bắc.
 
Suốt hành trình đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc, nhiều người trong chúng tôi đã bị những trận sốt rét hành hạ, nếm trải với cái đói, cái khát, với thời tiết khắc nghiệt. Cũng như khi tôi bị đau khớp, dọc đường đi, nếu một người nào đó bị ốm, đau thì những người còn lại thay nhau cõng hoặc cáng...
 
Trong suốt hành trình ra Bắc, lúc nào chúng tôi cũng mong muốn được khỏe mạnh để ra đến Hải Phòng, tiếp tục nhận những chuyến hàng mới chở vũ khí vào Nam, thực hiện nguyện vọng của Đảng và Bác Hồ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân hai miền được xum họp. Sau 6 tháng, 18 thủy thủ của Tàu 143 đã ra đến Hải Phòng an toàn. Khi đến nơi chúng tôi được thủ trưởng cấp trên hết sức quan tâm, động viên…”.

Trong cuộc nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ với chúng tôi, cựu chiến binh Nguyễn Thanh An đã vẽ lại một thời oanh liệt của những con tàu không số. Ký ức của những người cựu chiến binh già như ông - nhân chứng sống của đoàn tàu không số - thực sự là những “tư liệu sống”, là “viên ngọc quý” để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về lịch sử, truyền thống, sự hy sinh thầm lặng của những anh Bộ đội Cụ Hồ nói chung và những chiến sĩ của đoàn tàu không số năm xưa nói riêng.
 
Theo QĐND Online 

.