Anh hùng Bông Văn Dĩa - cá kình Biển Đông

10:10, 07/10/2011
.

Nói đến Đoàn tàu không số huyền thoại, bên cạnh những thuyền trưởng anh hùng, không thể không nhắc đến đội ngũ chính trị viên, những đại biểu của Đảng trên những chuyến tàu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Người “anh cả” của các thủy thủ

Đến nay, đã 50 năm trôi qua kể từ ngày chuyến tàu đầu tiên của Đoàn tàu không số khởi hành, nhưng sự kính trọng của các thủy thủ dành cho ông – Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa, vẫn vẹn nguyên. Ai cũng xem ông là người “anh cả” của Đoàn tàu không số. Ông Trần Văn Hữu, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển nói rằng: Trong lịch sử của Đoàn tàu không số, nhiều con tàu được tôn vinh là “cá kình Biển Đông” thì Bông Văn Dĩa chính là “anh cả” của những con cá kình, người trực tiếp khai mở ra con đường huyền thoại.

Đồng chí Bông Văn Dĩa (người ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Bông Văn Dĩa (người ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội. Ảnh tư liệu.

Đó không chỉ là sự tôn vinh của đồng đội, lịch sử Lữ đoàn 125 đã dành cho ông những trang viết trân trọng nhất: “Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Thuyền gồm 6 người do đồng chí Bông Văn Dĩa là Bí thư chi bộ phụ trách.
 
Đêm 10-4-1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam. Ngày 14-4-1962, khi thuyền đến vùng biển Nha Trang thì gặp tàu Mỹ, chúng nghi ngờ và cho tàu chạy vòng quanh, quần đảo từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều; anh em trên thuyền phải bỏ hết hải đồ, la bàn xuống biển, đóng vai dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ, địch bị ta nghi binh không đeo bám nữa; thuyền tiếp tục hành trình về hướng Nam.
 
Ngày 18-4-1962, thuyền tới cửa Bồ Đề (thuộc Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau); thuyền đi vào cửa Rạch Ráng, 10 giờ đêm hôm đó cập vào Vàm Lũng; sau thời gian nghiên cứu, khảo sát bến, thuyền "Bạc Liêu" tiếp tục quay trở ra miền Bắc. Chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công. Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới”.

Bà Bông Thị Ưa, con gái Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa cho chúng tôi xem những trang nhật ký, hồi ký của ông, với tư cách Chính trị viên của tàu gỗ Phương Đông 1, cùng Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, chở 35 tấn vũ khí từ miền Bắc vượt biển vào rạch Chùm Gộng an toàn, đánh dấu Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông.
 
Ông viết: “Đêm 12-10-1962, chúng tôi chở hàng và võ khí xuống tàu tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Đêm 13 lại xuống tiếp, cộng chung là 35 tấn. 8 giờ đêm (20 giờ) ngày 14-10-1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn đi theo đường kẻ (đường vạch sẵn trên bản đồ). Đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh nên phải đi theo đường kẻ số hai.
 
Đến Cù Lao Thu thì máy trục trặc, chúng tôi phải thả trôi một đêm để sửa máy nhưng vẫn không thể chạy mau được như cũ. 6 giờ sáng ngày 20-10-1962, tàu chúng tôi vào Cửa Lũng, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân gặp đoàn xuồng của đồng chí Nguyễn Văn Phan (Tư Đức) trong vàm Cửa. Gặp nhau rất mừng rỡ. Khi tàu lọt vô tới Cửa Lũng thì tôi lập tức báo tin vui cho Đoàn 125 và Trung ương biết là chúng tôi đã tới nơi an toàn. Đưa tàu vô tới nơi quy định là rạch Chùm Gộng. Đậu xong lập tức cho các ghe xuồng bốc sang hàng…”.

Thầm lặng làm cách mạng

Năm 1967, với những chiến công xuất sắc lập được cùng Đoàn tàu không số, tên tuổi của Bông Văn Dĩa trở nên nổi tiếng khắp hai miền Nam - Bắc nhưng ít người biết, ông đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi nổi trên “mặt trận thầm lặng” từ năm 1934, khi mới 19 tuổi. Với bí danh Hai Địa, chàng trai quê ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau sinh ra trong gia đình dân nghèo vùng biển. Được thầy giáo là nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển giúp đỡ, ông sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1940.
 
Từ khi vào Đảng, ông hoạt động rất tích cực ở vùng Rạch Gốc. Ngày 12-12-1940, từ xã Tân Dân, ông được cấp trên giao nhiệm vụ đến Hòn Khoai trao Nghị quyết khởi nghĩa của Tỉnh ủy Cà Mau cho đồng chí Phan Ngọc Hiển và cùng tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai. Cuộc khởi nghĩa bị khủng bố, ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo. Suốt những năm lưu đày chịu nhiều cực hình tra tấn, ông vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, cùng với chi bộ nhà tù đấu tranh và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục đưa các chiến sĩ của ta về đất liền hoạt động. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng các chiến sĩ tù Côn Đảo trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Sinh thời, ông Hai Địa là người lầm lì, ít nói. Vốn là một ngư dân, rất rành về biển, Hai Địa có thể đi biển mà không cần sơ đồ, la bàn, chỉ cần nhắm hướng hay nhìn sao trời… mà đi. Vì thế, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hai Địa được Xứ ủy phân công xuyên biển sang Thái Lan mua vũ khí và đưa bộ đội hải ngoại về nước. Chuyến đi đầu, với sự trợ giúp của vợ là bà Nguyễn Thị Hoài, nên công việc của ông được cải trang bí mật.
 
Đến Thái Lan, mặc dù bị nhà cầm quyền bắt giam 4 tháng nhưng khi vừa ra tù ông chở ngay chuyến vũ khí từ Thái Lan về Năm Căn. Lần thứ hai, do vận chuyển bằng đường biển khó khăn nên cấp trên quyết định tổ chức bằng đường bộ từ Thái Lan qua Cam-pu-chia về Việt Nam. Trên đường vận chuyển, ông cùng đơn vị chiến đấu 10 trận để bảo toàn vũ khí. Sau đó, ông được điều động tham gia nhiều trận đánh Pháp.

Chính những ngày tháng làm công tác mua sắm, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ đã đưa Bông Văn Dĩa đến một sự gặp gỡ kỳ ngộ với Thuyền trưởng Lê Văn Một sau này. Trong đường dây chuyển vũ khí từ Thái Lan về, khi Lê Văn Một phụ trách trạm bên đất Thái Lan thì trạm thứ hai trên đất Cam-pu-chia do Bông Văn Dĩa làm trạm trưởng. Sau đó, hai người lại cùng cộng tác vận tải vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ qua đường biển.
 
Năm 1948, chính Bông Văn Dĩa đã tổ chức kết nạp Lê Văn Một vào Đảng. Và 15 năm sau, khi Lê Văn Một tập kết ra Bắc đang làm Cảng trưởng ở Cẩm Phả, được Trung ương chọn làm thuyền trưởng tàu không số đầu tiên chở vũ khí vào Nam thì ông lại cùng thuyền với Bí thư chi bộ, Chính trị viên Bông Văn Dĩa.

“Điểm tựa” của mọi người

Các thủy thủ tàu không số dành cho Bông Văn Dĩa những lời đánh giá cao cả về tài năng và đức độ. Tuy nhiên, tính cách nổi trội nhất trong ông là bản lĩnh vững vàng trước mọi phong ba, bão táp như “pho đồng, tượng đá”. Năm 1961, Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ trên giao là tổ chức thăm dò tuyến đường biển từ Cà Mau ra miền Bắc để chở vũ khí vào miền Nam. Trong chuyến đầu tiên, nhiều tỉnh phía Nam cùng gửi tàu ra Bắc nhưng tàu thì bị giặc chặn bắt, tàu bị giông bão làm trôi dạt. Riêng thuyền của Bông Văn Dĩa là đến được bờ biển Quảng Bình nhưng ngay lập tức, ông bị dân quân bắt vì tưởng đó là biệt kích ngụy.

Ông bị giam. Mọi cuộc hỏi cung của ta đối với “tên biệt kích” này đều không thu được kết quả. Hai Địa nhất định không tiết lộ nhiệm vụ, chỉ một mực yêu cầu giải về Trung ương, hoặc cho gặp Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Ông còn “dọa”: “Các đồng chí không đưa tôi đi gặp đồng chí Lê Duẩn ngay, sau này lỡ việc lớn, phải chịu trách nhiệm”.
 
Vừa may, lúc đó đồng chí Lê Duẩn đến Quảng Bình công tác. Nghe báo cáo: “Có người trong Nam, tự xưng tên là Hai Địa, đòi gặp trực tiếp đồng chí, không chịu khai báo gì nữa”. Nghe tên ông, đồng chí Lê Duẩn lập tức đến gặp. Vậy là hai người bạn tù Côn Đảo mấy mươi năm trước gặp mặt, họ ôm chầm lấy nhau...

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị vận tải trên biển mang tên Đoàn 759. Đoàn 759 tin tưởng giao Bông Văn Dĩa chỉ huy thuyền Bạc Liêu, đi chuyến trinh sát mở đường. Ông đã cùng đồng đội trở về báo cáo cấp trên tình hình thăm dò và xây dựng bến bãi tiếp nhận vũ khí với Trung ương và Bác Hồ. Đoàn thủy thủ của ông được lệnh ở Đồ Sơn để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Tại bến Đồ Sơn, đầu tháng 10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, lên đường vào Nam. Trước khi xuất phát, đích thân các đồng chí: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Đây là chuyến đi đánh dấu “đường mòn trên Biển Đông” chính thức ra đời.

Bông Văn Dĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành người chiến sĩ tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó trở đi, vũ khí liên tiếp được đưa từ miền Bắc vào cập bến khu vực mũi Cà Mau. Với những thành tích và công lao cống hiến đặc biệt, năm 1967, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
 
Đại tá Bông Văn Dĩa là tấm gương trong sáng, cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng, luôn thể hiện đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì đồng chí, đồng đội. Chuyện kể rằng, sau khi Mỹ-ngụy phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch đánh phá ác liệt, cả vùng U Minh hầu như không còn chỗ an toàn.
 
Các cán bộ bảo vệ đang băn khoăn chưa biết rút về đâu thì đồng chí Lê Duẩn nói: “Còn một chỗ. Còn một người có thể tin cậy: Anh Hai Địa ở Rạch Gốc. Rạch Gốc là đất có thể nương náu. Hai Địa là cơ sở của đồng chí Phan Ngọc Hiển, từng bị tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, mỗi lần chúng tôi bị địch đánh thì Hai Địa xông ra chịu đòn thay. Phải đi tìm Hai Địa. Đó là con người có thể tin cậy trong lúc khó khăn cùng cực của cách mạng”.
 
Theo Báo QĐND

.