Chuyện về người lái đò ngày ấy...

01:05, 26/05/2010
.

(QNg) - Chiến thắng Ba Gia là một chiến thắng tuyệt đẹp. Lần đầu tiên ta tiêu diệt 4 tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn quân tinh nhuệ của địch, bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều vũ khí, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn. Chiến thắng Ba Gia là niềm tự hào của quân và dân Quảng Ngãi.
 
Phát huy truyền thống Anh hùng của Trung đoàn Ba Gia năm xưa, những chiến sĩ của trung đoàn ngày ấy giờ đây đã và đang góp sức xây dựng quê hương, phát triển kinh tế... Việc làm kinh tế giỏi của cựu chiến binh Trương Thị Minh Lai và người lái đò năm xưa Trần Đối  là một trong hàng chục điển hình của các cựu binh Ba Gia...

Không trực tiếp cầm súng chiến đấu ở trận đánh Ba Gia cách đây 45 năm, nhưng ô
ng Trần Đối
Ông Trần Đối trước bến sông xưa
ở đội 9, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) ngày ấy chưa đầy 30 tuổi, đã đóng góp công sức không nhỏ vào chiến thắng Ba Gia 1965. Một tay chèo người đội trưởng Đội vận tải Trần Đối đã chở hàng trăm lượt thương binh từ chiến trường về hậu cứ chữa trị…

Vượt sông trong lửa đạn !
Chúng tôi có dịp về thăm một số chứng nhân làm nên chiến thắng Ba Gia - 1965 giữa ngày hè oi ả. Cảnh vật khu "Chứng tích Ba Gia" thuộc xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) sau 45 năm đã đổi thay nhiều: Điện - đường - trường - trạm khang trang; nhà cửa san sát; ruộng vườn xanh mượt. Nhưng có một điều mà cũng chặng đường thời gian ấy không gì thay đổi, đó là tấm lòng kiên trung theo Đảng, Bác Hồ của người đội trưởng Đội vận tải thương binh chiến dịch Ba Gia Trần Đối… Ông Đối năm nay đã 74 tuổi, nhưng còn nhớ rất rõ giờ khắc xuất kích chèo đò tải thương ròng rã suốt mấy chục ngày trời trên bến đò ngay tại quê ông, trong chiến dịch Ba Gia năm ấy.

Ông Đối kể: Cứ 4, 5 giờ chiều tôi tập trung anh em chuẩn bị ghe, tay chèo trực chỉ theo hướng Ba Gia mà tiến. Ghe vừa cặp bến, dân công cõng thương binh xuống, đưa lên ghe rồi chúng tôi chèo ghe đi ngay. Một đêm chúng tôi có thể chèo vài ba chuyến. "Mình không ngại việc, nhưng hễ phải chèo nhiều chuyến là lòng dạ xót xa lắm, vì anh em bị thương nhiều. Vừa chèo nước mắt tôi vừa chảy, mơ ngày hòa bình đến cháy cả tâm can" -  ông Đối nghẹn ngào nhớ lại. Nhiều đêm đạn pháo của địch bay vù vù, mà ông Đối vẫn dành chở thương binh vượt sông. Ông bảo: Anh em bị thương đau đớn, nhưng không hề rên la nửa lời, càng làm cho tôi cảm phục. Trong đêm tối chỉ nhìn nhau qua ánh mắt mà sao cảm thấy chiến sĩ nào cũng gần gũi, thân thương, ruột thịt. Mỗi một chuyến ghe chở thương binh an toàn cập bến, lòng tôi mới nhẹ nhõm. Hy vọng vào chiến thắng - hòa bình trỗi dậy, tiếp thêm luồng gió thần kỳ đẩy những chuyến ghe tải thương của mình đi nhanh hơn, an toàn hơn…

Cuộc hành trình chở thương binh từ chiến hào đến nơi cứu chữa trên sông kéo dài từ sẩm tối hôm nay, cho đến sáng sớm hôm sau. Trước khi rời bến trở về nhà, ông Đối và anh em trong Đội vận tải phải khuân đá cục bỏ vào lòng ghe, để nhận chìm ghe xuống nước rồi cột chặt dây neo vào rặng tre ven sông để bọn địch khỏi phát hiện. Thế nhưng có nhiều hôm địch vẫn phát hiện ra, chúng đốt ghe của ông. Những lúc như thế ông Đối bật khóc nức nở, vì nghĩ sẽ phải mất vài ngày để làm lại ghe mới. Thiếu đi một chiếc ghe là anh em thương binh lại phải chờ lâu hơn mọi khi mới tới được trạm cứu chữa…

 Lấp hố bom xây cuộc sống mới !
Ông Đối dẫn tôi ra bến sông xưa nơi cách đây đúng 45 năm ông đã chèo hàng trăm chuyến đò chở thương binh trong trận đánh Ba Gia lịch sử. Gió vẫn lồng lộng thổi, nhưng sông êm đềm, trong xanh. Nhìn những chiếc ghe dập dềnh về bến, ông Đối bảo: "Chỉ vì khát khao được sống yên bình, tự do làm ăn trên bến dưới thuyền tại quê hương mình, mà tôi dốc lòng theo cách mạng.

Đêm 31/5/1965, tôi đã khóc cả đêm vì mừng ngày chiến thắng Ba Gia. Sau ngày ấy, gia đình tôi cùng bà con lối xóm dốc sức làm ăn, phát triển kinh tế, đời sống khấm khá nhiều rồi!" Ông Đối chỉ tay về những bãi mía, vườn ngô xanh thẳm, rồi quay sang tôi ồn tồn nói: "Ngày xưa đó là những hố bom, mìn sâu hoắm. Hòa bình rồi người dân lấp lại để sản xuất". Chính bản thân ông Đối đã cùng với bà con không quản ngày đêm san lấp, cải tạo ruộng vườn, dựng lại nhà cửa, xây cuộc sống mới. Trong xóm ông Đối ở, nhà nào cũng tường cao, mái ngói, đã có gần 90% là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Phong trào nào ông Đối cũng là người tiên phong đi đầu, vừa làm vừa hướng dẫn bà con lối xóm làm theo.

Đội vận tải thương binh do ông Đối làm Đội trưởng hiện còn 5 người đang sinh sống tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Tuổi cao, sức yếu, nhưng họ vẫn thường xuyên gặp nhau hàn huyên chuyện thời chiến, đóng góp ý kiến bổ ích cho chính quyền địa phương xây dựng khối đại đoàn kết, giữ vững truyền thống cách mạng của quê hương Ba Gia kiên cường. Riêng ông Đối sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù là thương binh 2/4, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn hăng hái tham gia công tác tại địa phương. Ban đầu là cán bộ thuế, rồi chuyển sang làm cán bộ kế toán UBND xã Tịnh Sơn. Khi về nghỉ hưu, ông là đảng viên, hội viên người cao tuổi mẫu mực, được bà con quý mến.

Kỷ vật của những ngày vượt sông dưới làn bom đạn của người Đội trưởng Đội vận tải thương binh Trần Đối là cây dầm dùng để chèo những chuyến đò chở thương binh về trạm cứu chữa. Cất giữ cây dầm ấy trong nhà như một kỷ vật quý suốt 40 năm, vào năm 2005 Quân khu V đã về chiến trường Ba Gia năm xưa đến gia đình ông Đối xin được đưa kỷ vật này về Nhà trưng bày truyền thống. Bây giờ cứ vào dịp kỷ niệm chiến thắng Ba Gia (31/5) hằng năm, nhiều thương binh lại đến thăm, cảm ơn ông Đối với những chuyến đò ngày ấy. Gặp lại nhau, nước mắt lại trào - nhưng đó là những giọt nước mắt vui mừng đoàn tụ, nước mắt tri ân dành riêng cho người chèo đò thầm lặng, nhưng anh dũng giữa vùng lửa đạn năm xưa…

  Ghi chép của Thanh Nhị

.