Mất 300 năm và hơn 10 tỉ USD làm sạch đất ô nhiễm bom mìn.

09:07, 31/07/2009
.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tiến độ rà phá 20 nghìn hecta đất mỗi năm như hiện nay, Việt Nam phải mất 300 năm với kinh phí hơn 10 tỉ USD mới làm sạch hết đất ô nhiễm bom mìn.  Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh Phan Đức Tuấn nói đây là công việc "rất cấp thiết".
 
Ước tính trên được ông Tuấn đưa ra tại hội thảo công bố kết quả điều tra ô nhiễm bom mìn 6 tỉnh miền Trung sáng nay (31/7) tại Hà Nội, do Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) - Bộ Tư lệnh Công binh và Qũy Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) tiến hành khảo sát.
 
2
Huỷ nổ an toàn tại đồi Kho Gạo, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh : landmines.org.vn
 
Dự án điều tra khảo sát tại 6 tỉnh miền Trung do BOMICEN và VVAF thực hiện trong 5 năm qua đã xử lý những thông tin tản mát trước đây thành bộ dữ liệu tổng hợp, đầy đủ. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm chiến tranh kết thúc, bản đồ đo liệu chính xác mức độ đất đai ở 6 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sót lại được công bố chính thức.

Theo điều tra, 35% diện tích của 6 tỉnh : Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi vẫn còn ô nhiễm bom mìn. Đây cũng là các tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng nhất trong cả nước. Bà Nguyễn Thu Thảo, Trưởng đại diện VVAF cho biết khu vực phi quân sự cũ tỉnh Quảng Trị và tỉnh giáp ranh Quảng Bình là hai tỉnh có tổng số nạn nhân bị thương và tử vong lớn nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc.
 
Trong quá trình điều tra, BOMICEN và VVAF đã tiến hành rà phá 1358 hecta đất ô nhiễm và phá hủy an toàn hơn 24.000 bom, mìn, vật nổ. Tuy nhiên, ông Phan Đức Tuấn cho hay với mức độ ô nhiễm đo được, đến năm 2015 cũng chỉ làm sạch được 30% đất ô nhiễm của 6 tỉnh miền Trung.
 
Bà Thảo cho hay thách thức hiện nay đó là BOMICEN phải chia sẻ những thông tin và dữ liệu với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực bom mìn để giải quyết thách thức.
 
Nhiệm vụ 300 năm
 
Ngoài 6 tỉnh miền Trung ô nhiễm nặng nhất, bom mìn, vật liệu nổ sót lại còn rải rác ở 63 tỉnh, thành, ước tính khoảng 6.6 triệu héc ta đất ô nhiễm. Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh Phan Đức Tuấn cho hay với tiến độ rà phá 20 nghìn hecta đất mỗi năm như hiện nay, Việt Nam phải mất 300 năm với kinh phí hơn 10 tỉ USD mới làm sạch đất ô nhiễm bom mìn. Do đó, công việc rà phá, làm sạch đất ô nhiễm bom mìn đang trở nên "rất cấp thiết".
 
"Tác động kinh tế xã hội ở của ô nhiễm bom mìn ở địa phương là rất lớn", ông Tuấn nói. 
 
Bản đồ ô nhiễm bom mìn miền Trung.
Đầu năm 2009, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam dưới sự quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Giám đốc BOMICEN, Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh cho hay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tiến hành điều tra, khảo sát trên toàn quốc nhằm đánh giá tác động về mặt kinh tế xã hội của ô nhiễm bom mìn sót lại.
 
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, kết quả báo cáo cuối cùng này sẽ giúp cung cấp cho Việt Nam và cộng đồng tài trợ những thông tin thiết yếu về tác động của bom mìn vật nổ đối với các cộng đồng dân cư. Hướng tới tương lai, Đại sứ cho hay Mỹ khuyến khích Việt Nam sớm xây dựng chiến lược quốc gia nhằm giải quyết vấn đề khó khăn và phức tạp do chiến tranh để lại này.
 
Năm 2004, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt gói ngân sách tài trợ 2 triệu USD cho dự án khảo sát bom mìn tại 6 tỉnh miền Trung nêu trên. Theo dự thảo chiến lược quốc gia về rà phá bom mìn, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ chi 3 tỉ USD đến năm 2025 cho công việc này.
 
Với chi phí tốn kém, ngoài ngân sách quốc gia, Việt Nam đang kêu gọi nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc rà phá, làm sạch đất ô nhiễm bom mìn.
 
Theo VNN

.