Khoai lang siêu đắt

02:12, 19/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, một nhóm bạn trẻ đi chơi khuya ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) ghé vào một quán bán đồ ăn vặt bên đường và gọi thức ăn, gồm: 10 quả trứng, 4 củ khoai và 3 quả bắp, tất cả đều ở dạng nướng. Ăn xong, nhóm bạn tá hỏa khi nhận “hóa đơn” với tổng số tiền là 580 nghìn đồng, trong đó giá một củ khoai là 80 nghìn đồng. Có lẽ không một siêu thị hoặc nhà hàng sang trọng nào trên đất nước ta mà giá một củ khoai lang nướng lại đắt như thế cả!
 
Nhóm bạn thắc mắc là tại sao củ khoai lên đến 80 nghìn đồng/củ, thì người bán khoai nói rằng chị nhập về giá đã 40 nghìn đồng/củ rồi. Mua 40 nghìn đồng, bán 80 nghìn đồng, mua - bán như thế gọi là siêu lời chứ không còn là lời lãi bình thường nữa. Nhưng trong trường hợp này, lỗi thuộc về nhóm thanh niên vì họ không hỏi giá trước khi ăn.
 
Ngay ngày hôm sau, trên mạng xã hội lại tung một clip khác, cũng nói về khoai nướng nhưng ở Hồ Tây, lần này thì giá giảm xuống còn 40 nghìn đồng/củ. Nhóm bạn trẻ ở đây cẩn thận hỏi giá trước khi ăn, song khi tính tiền thì người bán hàng rong chối phăng việc thỏa thuận giá cả trước đó. Nhóm bạn đành phải trả 180 nghìn đồng cho toàn bộ các món đã gọi, trong đó có một củ khoai nướng giá 40 nghìn đồng. Trong trường hợp này, nhóm bạn trẻ không có lỗi vì họ đã hỏi giá trước, song vẫn bị chặt chém.
 
Cả hai nhóm bạn trẻ nói trên dù biết mình bị hớ khi ăn quà vặt từ những người bán hàng rong, song họ không đôi co mà trả tiền luôn để tránh phiền phức, song chắc chắn nỗi ấm ức trong lòng thì không dễ bỏ qua. Học phí về tiền mà họ phải trả thì không đáng là bao, song “học phí niềm tin” thì không hề rẻ chút nào. Niềm tin về sự tử tế trong nhóm bạn trẻ ấy đã bị “trầy xước”.
 
Chuyện “chặt chém” du khách của một số người bán hàng rong quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây và một vài điểm du lịch khác ở Thủ đô Hà Nội không phải mới mẻ gì. Hai du khách người Nhật đã từng phải tính 400 nghìn đồng cho một cuốc taxi dù đồng hồ tính cước chỉ báo 42 nghìn đồng, hoặc một du khách nước ngoài khác đã phải trả 70 nghìn đồng cho một túi bánh rán hay 200 nghìn đồng cho một tô phở. Hàng rong trong những trường hợp kể trên, quả là vô giá. Không hỏi giá, ăn xong mới tính tiền thì bị “chặt chém” đã đành mà hỏi giá trước cũng bị “chặt chém” như thường. Chuyện xảy ra giữa thủ đô, nhưng không chỉ ở thủ đô, một số điểm du lịch trên cả nước vẫn thường xảy ra tình trạng “chặt chém” này. Đây là điều mà những người làm du lịch và các nhà quản lý đáng để suy ngẫm.
 
Đã bán hàng rong, dĩ nhiên họ là những người nghèo. Mà đã nghèo thì việc xử lý cho hành vi “chặt chém” du khách này là cực kỳ khó. Có quán xá, có địa chỉ hẳn hoi thì còn có chế tài để xử phạt, chứ bán hàng rong, lúc ở phường này, khi ở phố khác thì biết xử lý thế nào đây?
 
Không phải tất cả những người bán hàng rong đều “chặt chém” du khách, tuy nhiên, những “con sâu” này chắc chắn sẽ làm rầu lòng bao du khách mỗi khi đặt chân đến thủ đô. Người bán hàng rong kia có thể kiếm được 200 - 300 nghìn đồng khi bán củ khoai hôm đó nhưng chắc chắn rằng, những ai đã tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội sẽ không bao giờ dám ăn “củ khoai Bờ Hồ” nữa, nếu như những củ khoai nướng, bắp nướng ấy được những người bán hàng rong mời chào.
 
Bán mua kiểu “chặt chém” như thế, lợi chỉ cỏn con nhưng thiệt hại thì không đong đếm hết.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.