Lắng nghe nông dân nói

05:10, 01/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đối thoại, trực tiếp lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của nông dân không chỉ giúp người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh kịp thời sẻ chia với khó khăn, vướng mắc trong đời sống, sản xuất của nông dân, mà còn nắm rõ hơn công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền cơ sở, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Từ đó, có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
 
[links()]
 
Gỡ khó giúp nông dân
 
Tháng 12/2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với hội viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn tỉnh. Kể từ sau lần đối thoại ấy, nhiều phản ánh, kiến nghị của nông dân đã được chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết.
 
Người dân khu vực miền núi mong muốn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thiết thực và phù hợp, đảm bảo hiệu quả.
Người dân khu vực miền núi mong muốn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thiết thực và phù hợp, đảm bảo hiệu quả.
“Tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, tôi đã phản ánh việc chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi. Sau đó, chính quyền các cấp đã chỉ đạo giải quyết, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, có điều kiện đầu tư tái đàn. Chúng tôi rất phấn khởi”, ông Nguyễn Duy Nhiệt, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), cho biết.
 
Từ năm 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo Châu Phi (ASF) bùng phát làm 40 nghìn con heo bị chết hoặc tiêu hủy bắt buộc, tổng thiệt hại ước tính gần 100 tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh trắng tay, phải “treo chuồng” và trông đợi vào khoản hỗ trợ của Nhà nước. Theo Sở NN&PTNT, việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch ASF được phân theo tỷ lệ là: Ngân sách tỉnh 50% và các huyện, thị xã, thành phố 50%. Tuy nhiên, vì ngân sách tỉnh và các địa phương chưa cân đối được dẫn đến sự chậm trễ. Ngay sau đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch ASF. Đến thời điểm này, tổng kinh phí hỗ trợ là 22 tỷ đồng, giúp hàng nghìn hộ chăn nuôi có tiền mua con giống, thức ăn để tái đàn.
 
Đối với kiến nghị của nông dân về giải pháp kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh vi rút khảm lá mì, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng đã nỗ lực giải quyết. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ động triển khai các giải pháp hạn chế sự xâm nhiễm, gắn với nghiên cứu và trồng thử nghiệm các giống mì kháng bệnh vi rút khảm lá. 
 
Niên vụ mì 2021 - 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) đã mua 100 nghìn hom giống mì HN3 của Viện Di truyền nông nghiệp, triển khai trồng thử nghiệm 10ha tại huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành. Niên vụ mì 2022 - 2023, UBND tỉnh tiếp tục bố trí hơn 744 triệu đồng để mua hom giống HN3, nhằm mở rộng diện tích và quy mô vùng trồng mì thí điểm lên 20ha tại các huyện: Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà và TX.Đức Phổ. Hiện các cơ quan chuyên môn tập trung đánh giá giống HN3, làm cơ sở sản xuất hom giống sạch bệnh để hỗ trợ cho nông dân tiếp tục mở rộng vùng mì thí điểm trong niên vụ 2023 - 2024. Theo ông Đinh Xuân Hiếu, ở xã Sơn Bao (Sơn Hà) thì “đây là tin vui nhất với người trồng mì kể từ năm 2019 đến nay”.
 
Riêng những phản ánh về việc nông dân, các HTX nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay đã có những chuyến biến tích cực. Ông Bùi Thanh Tâm, ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cho biết, gia trại chăn nuôi và trồng trọt của gia đình phát triển như hiện nay là nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Được Agribank Tư Nghĩa tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, hạn mức vay mà tôi có điều kiện đầu tư và mở rộng quy mô gia trại. Hiện gia đình tôi duy trì hơn 150 con heo nái sinh sản và heo thịt, ươm giống và trồng cả chục nghìn chậu hoa cây cảnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.  
 
Tiếng lòng của nông dân
 
Dự kiến trong tháng 10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có buổi đối thoại với nông dân trong tỉnh. Việc tổ chức đối thoại đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trên tinh thần hợp tác, xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”... góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng theo hướng “gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin” và tăng cường niềm tin của nông dân đối với cấp ủy, chính quyền.
 
Hướng đến buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Hóa, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) gửi gắm, tôi mong chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư tái sản xuất thông qua chính sách trợ giá, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất. Đồng thời, mong các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất đảm bảo tính khả thi... giúp người dân có điều kiện tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi.  
 
Đối với nông dân các địa phương miền núi, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn một số bất cập. Ông Đinh Văn Thiết, ở xã Long Mai (Minh Long) bày tỏ, điều kiện và tập quán sản xuất của người dân miền núi còn nhiều hạn chế, nhưng hỗ trợ những đối tượng cây trồng, vật nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao, quy trình thâm canh chặt chẽ thì không thể nào hiệu quả được. Vì vậy, Nhà nước xem xét thay đổi đối tượng cây trồng, vật nuôi hỗ trợ cho phù hợp. Với nông dân xã Ba Nam (Ba Tơ), thì kiến nghị Nhà nước quan tâm chi trả tiền bảo vệ rừng từ năm 2021 đến nay. Qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống, cũng như yên tâm tham gia bảo vệ rừng trong những năm tiếp theo.  
 
Về lĩnh vực thủy sản, ngư dân mong muốn Nhà nước quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó có việc khoanh nợ cho chủ tàu, vì giá trị khoản nợ còn lại rất lớn, trong khi hoạt động khai thác thủy sản khó khăn. Người dân ven biển cũng kiến nghị tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, phát triển hậu cần nghề cá theo hướng “giảm cường lực khai thác, tăng sản lượng chế biến”, đảm bảo nghề cá phát triển ổn định và bền vững...
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.