Chính sách có, nhưng khó thực thi

05:06, 17/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) và nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tiễn.
 
[links()]
 
Giám đốc HTX Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn) Nguyễn Duy Hưng cho biết, HTX được thành lập và đi vào hoạt động năm 2015. Trong khoảng 3 năm đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, mua máy móc, nguyên liệu để trồng nấm. Khi biết có chính sách vay vốn dành cho HTX, chúng tôi đã tìm đến ngân hàng để tìm hiểu các thủ tục. Tuy nhiên, ngân hàng nào cũng từ chối cho vay. Ngay cả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX, chúng tôi cũng không tiếp cận được. Để HTX có vốn sản xuất, tôi phải dùng sổ đỏ cá nhân để vay vốn.
 
Công nhân Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe sản xuất rau sạch tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Công nhân Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe sản xuất rau sạch tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Từ những ngày đầu thành lập, công ty đã đầu tư nhiều hạng mục, công trình phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều năm qua, doanh nghiệp này cũng không tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ.
 
Theo Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư vốn lớn, tính rủi ro cao. Với một vùng đất thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ như Quảng Ngãi, mà xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là không khả thi. Vì vậy, đừng nói đến cho vay tín chấp, ngay cả cho vay có tài sản thế chấp, nhưng nếu phương án kinh doanh không khả thi, ngân hàng cũng không dám cho vay.
 
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tín dụng ưu đãi dành cho HTX, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mà không có tài sản bảo đảm được vay từ 70 - 80% giá trị dự án, phương án... 
 
Ngoài ra, thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/2017/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định.
 
Chính sách là thế, nhưng theo đại diện các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thẩm định ưu tiên đánh giá xem dự án nông nghiệp công nghệ cao có khả thi hay không, có phương án trả nợ nguồn vốn vay ngân hàng hay không. Nếu phương án sản xuất, trả nợ không khả thi, thì ngân hàng cũng không thể giải ngân. Còn đối với các HTX nông nghiệp, đa số đều yếu về năng lực tài chính, tài sản đảm bảo không có, vốn đối ứng không đảm bảo, sản phẩm làm ra thiếu khả năng cạnh tranh... nên các ngân hàng khó có thể cho vay.
 
Để chính sách hỗ trợ cho HTX, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với thực tiễn, Nhà nước cần xem xét tính đặc trưng của từng vùng miền để có hướng hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, dành nguồn vốn riêng, giao cho ngân hàng cụ thể thực hiện chính sách, tránh tình trạng chính sách có, nhưng khó thực thi.
 
          Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.