Đa dạng đặc sản địa phương

10:01, 13/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Người dân trong tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, chế biến và kinh doanh những mặt hàng nông sản mang đặc trưng của địa phương để phục vụ người tiêu dùng.
[links()]
 
Sản vật của miền núi và trung du
 
Những ngày này, đồng bào Ca Dong (Sơn Tây) đang tập trung thu gom lúa nếp rẫy để bán ra thị trường. Mỗi kí lô gam gạo nếp rẫy giá bình quân 50 nghìn đồng, khá cao so với các loại nếp khác, nhưng sức mua vẫn rất lớn. Ông Đinh Văn Hanh, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây) cho biết, nếp rẫy nhà trồng là giống truyền thống, từ lúc trồng đến khi thu hoạch không dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, nên thơm ngon, an toàn. Nếp này gói bánh tét để được rất lâu. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ, số lượng cũng có hạn, nên nhiều người đặt mua số lượng lớn, tôi không có hàng để cung cấp.
 
Hiện nay, nông dân 2 địa phương là xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) và xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cũng đang cung ứng gạo nếp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh. Các loại nếp ở những địa phương này được xem là sản vật nổi tiếng từ lâu đời, thường được dùng vào những dịp lễ, Tết.
 
Tại vùng cao Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, người dân cũng đang vào mùa khai thác cá niên phục vụ dịp cao điểm tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cá niên hiện có giá từ 300 - 400 nghìn đồng/kg, tùy kích cỡ. Một chủ quán ăn ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) cho biết, cá niên mùa này tươi ngon, vì thức ăn (rêu) khá dồi dào. Tuy giá cao, nhưng mỗi khi vào dịp Tết, mặt hàng này bán khá chạy, thường thì phải đặt hàng trước mới có.
 
Ngoài cá niên tươi, người dân Sơn Hà còn chế biến đặc sản mắm cá niên. Với công thức gia truyền của người Hrê, cá được muối vào chum sành kèm với các gia vị là lá cây rừng, gừng... sau một thời gian sẽ thành món mắm thơm ngon, có vị đặc biệt, là món quà đặc sắc để dành tặng người thân, bạn bè ngày Tết. Cùng với cá niên, người dân các xã vùng cao trong tỉnh cũng đã chuẩn bị đặc sản heo ky đưa ra thị trường đúng vào dịp Tết. Một số hộ nuôi heo ky ở xã Sơn Hạ, Sơn Thành (Sơn Hà) cho biết, đến thời điểm này, heo đã có người đặt hàng gần hết. Hiện giá heo ky hơi dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg.
 
Vườn chôm chôm của người dân thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Vườn chôm chôm của người dân thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Trong khi đó, vùng trung du Nghĩa Hành nổi tiếng về cây ăn quả cho thu hoạch trái vụ đúng vào dịp Tết. Chị Nguyễn Thị Nhân, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết, Tết này, nhà tôi có khoảng 10 cây chôm chôm trong vườn cho thu hoạch. Một số thương lái đã đến vườn đặt cọc, khoảng 20 tháng Chạp sẽ thu hoạch và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Năm nay, chôm chôm quả to, đẹp hơn mọi năm, giá bán chắc sẽ cao gấp đôi ngày thường.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, dịp Tết năm nay, huyện còn có lượng bưởi da xanh, chuối ngự khá lớn phục vụ người dân trong tỉnh. Huyện dự tính những ngày đầu năm Nhâm Dần, nếu điều kiện cho phép, huyện sẽ tổ chức một vài điểm “hái trái đầu năm”, vừa tạo điểm du xuân cho người dân trong tỉnh, vừa quảng bá cho "vựa trái cây" Nghĩa Hành.
 
Nguồn cung dồi dào 
 
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song cuối năm vẫn là thời điểm thị trường tiêu dùng sôi động nhất. Vì thế, hiện nay các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc sản xuất, để kịp hàng phục vụ thị trường Tết.
 
Tại cơ sở chế biến hải sản của gia đình bà Nguyễn Thị Biêu, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), có hơn chục lao động đang tất bật làm việc. Bà Biêu chia sẻ, gia đình tôi làm nghề chế biến hải sản đã nhiều năm nay. Bình thường, đối với các mặt hàng khô, chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 5 - 7 tấn/tháng. Tuy nhiên, tháng cuối năm âm lịch, lượng hải sản tiêu thụ tăng gấp nhiều lần, nên cơ sở phải chuẩn bị nguồn hàng từ những tháng trước đó. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên chủ yếu chúng tôi nhận đặt hàng qua điện thoại, sau đó đóng hàng và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. 
 
Rượu cần Sơn Tây được bày bán.
Rượu cần Sơn Tây được bày bán.
Không riêng cơ sở của bà Biêu, mà hiện nay, hàng trăm hộ chế biến hải sản khô trên địa bàn đang tập trung cao độ sản xuất hàng Tết. Các loại hải sản khô là thực phẩm dễ chế biến, dễ sử dụng, lại để được lâu, nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, nhất là dịp Tết. Để tạo niềm tin với khách hàng, các cơ sở chế biến đã chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện cá hố, cá hàm ếch khô tẩm ướp gia vị được bán với giá 170 nghìn đồng/kg, cá đét 140 nghìn đồng/kg, mực khô có giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng/kg, tùy loại...
 
Đây cũng là thời điểm hàng chục hộ dân làm nghề chế biến nước mắm truyền thống ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) đang tập trung vào việc chiết lọc, đóng chai sản phẩm nước mắm để kịp vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương, bên cạnh chất lượng, các cơ sở sản xuất và chế biến còn quan tâm đến việc cải tiến đa dạng mẫu mã cho sản phẩm...
 
Cùng với các sản phẩm chế biến sẵn, thời điểm này, các hộ nuôi trồng thủy sản dọc theo bờ biển, cửa sông cũng chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng tươi sống như ốc hương, cá măng, cá dìa, tôm... để đưa đi tiêu thụ. Tại huyện đảo Lý Sơn, bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp này, các tiểu thương cũng bận rộn với việc đóng hàng các loại hải sản gửi cho bạn hàng ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Đa số các loại hải sản năm nay có giá thấp hơn so với mọi năm. Cụ thể, cá mú có giá 180 - 200 nghìn đồng/kg, ốc cừ có giá 40 nghìn đồng/kg nguyên vỏ, 220 nghìn đồng/kg thành phẩm, mực có giá 250 - 370 nghìn đồng/kg tùy loại, chả cá 120 nghìn đồng/kg...
 
Đóng góp vào thị trường Tết năm nay, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã được chứng nhận OCOP cũng hoạt động hết công suất, đảm bảo nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Trong đó, sản phẩm dầu phụng, dầu mè của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), Hợp tác Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân (TX.Đức Phổ) được nhiều khách hàng ở các tỉnh phía nam ưa chuộng.
 
Đa dạng kênh quảng bá, phân phối
 
Các sản phẩm phục vụ thị trường Tết năm nay được đánh giá cao, khi đa dạng về mẫu mã, dồi dào nguồn cung. Để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản của địa phương, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất, chế biến các mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội; đồng thời, đưa sản phẩm vào cửa hàng, siêu thị bán với giá phù hợp. Đối với những khách hàng ở xa, các cơ sở cung ứng sẽ gửi hàng đến địa chỉ người nhận, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng.
 
Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA
 
 

.