Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

11:01, 16/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)-  Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đối với nông dân.
[links()]
 
Đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng 
 
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình OCOP đã có sự lan toả mạnh mẽ và mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn...  
 
Người sản xuất đều mong muốn sản phẩm làm ra được công nhận sản phẩm OCOP, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu. Các sản phẩm được gắn sao từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực khích lệ những người sản xuất tiếp tục nỗ lực và chú trọng đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng.
 
Người sản xuất ngày càng chú trọng đến chất lượng và mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị các sản phẩm
Người sản xuất ngày càng chú trọng đến chất lượng và mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị các sản phẩm
Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao cho sản phẩm nấm linh chi vào cuối năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) không ngừng đổi mới, cải tiến sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. Cũng với nguyên liệu thô là nấm linh chi, HTX đã nghiên cứu, chế biến nhiều dòng sản phẩm như rượu nấm linh chi, trà nấm linh chi…

"Việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, kênh tiêu thụ chủ yếu qua người quen giới thiệu và những người đã sử dụng giới thiệu cho nhau. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm nấm linh chi được công nhận OCOP thì sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, sức mua tăng lên và thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước". 

Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nấm
Đức Nhuận (Mộ Đức) LÊ GIANG PHONG

Điều đáng ghi nhận là, khi hướng sản phẩm nông nghiệp đến mục tiêu đạt được các yêu cầu để được công nhận sản phẩm OCOP, chính chủ thể (HTX, tổ hợp tác, cá nhân) đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa đảm bảo nguồn cung cho thị trường. 

Chẳng hạn như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), để hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm khoai lang của Tịnh Thọ được công nhận là sản phẩm OCOP, HTX đã liên kết với hơn 70 hộ nông dân tham gia trồng khoai lang Nhật trên diện tích 20ha. Quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và được HTX bao tiêu đầu ra. Khoai lang sau khi thu mua về sẽ được HTX chế biến theo mô hình khép kín. Sản phẩm khoai lang khô thành phẩm được đóng gói vào túi và hút chân không để cung ứng ra thị trường.  
 
“Với quy trình sản xuất sạch và an toàn, nên thời gian qua, sản phẩm khoai lang Tịnh Thọ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Thậm chí, sản phẩm còn được nhiều người mua để làm quà tặng cho người thân ở nước ngoài. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đăng ký nhãn hiệu để sản phẩm khoai lang Tịnh Thọ được công nhận OCOP”, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) Đỗ Minh Trang cho biết. 
 
Bà con nông dân trong khoai lang ở Tịnh Thọ đã thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa
Nông dân trồng khoai lang ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mộ Đức là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, từ khi Chương trình OCOP được triển khai, đã thổi một luồng gió mới vào tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 21 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP.
 
“So với trước khi thực hiện Chương trình OCOP thì nhận thức của người sản xuất đã được nâng lên rất nhiều. Người dân tự ý thức được rằng muốn sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, trên hết là phải đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường... Điều này đã buộc người sản xuất phải năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học -công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn quy định”, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân chia sẻ. 
 
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ. Bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như, mật ong Na Ni, nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành... 
 
Trên địa bàn bàn tỉnh cũng đã xây dựng được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi ( www.quangngaitrade.gov.vn) để giới thiệu, quảng bá, giao dịch, tiêu thụ sản phẩm của hơn 133 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 44 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, bán hàng.
 
Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.
Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

“Với những hạn chế đã được nhận diện, trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiếp tục hướng đến việc đánh giá các sản phẩm OCOP đi sâu hơn về chất lượng sản phẩm hơn là số lượng. Việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP phải đảm bảo thực chất, sát đúng, tránh tính trạng chạy theo thành tích, số lượng sản phẩm đạt chuẩn gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm OCOP”.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh
HỒ TRỌNG PHƯƠNG 

 

Mặc dù đã mang lại tín hiệu tích cực, giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nhưng việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn không ít thách thức. Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế. Nhiều huyện, xã còn thụ động, trông chờ vào tư vấn, trong khi số lượng đơn vị tư vấn triển khai Chương trình OCOP chưa nhiều, chưa dày dạn kinh nghiệm tư vấn triển khai chương trình. Tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt OCOP gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP. Đối tượng tham gia Chương trình OCOP tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu. Nguồn lực đầu tư và sự kết nối cung - cầu vẫn còn nhiều hạn chế…
 
Sản phẩm OPCOP và các sản phẩm nông nghiệp sạch được người tiêu dùng đón nhận.
Sản phẩm OPCOP và các sản phẩm nông nghiệp sạch được người tiêu dùng đón nhận.
Theo ông Hồ Trọng Phương, sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục theo dõi, để hỗ trợ thêm theo những yêu cầu của người chủ thể về trang thiết bị, kỹ thuật, đất đai,… Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... để nâng tầm sản phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng.
 
“Sản phẩm khi công nhận OCOP phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm đó phải có chỗ đứng trên thị trường. Nghĩa là, sản phẩm đó phải được kết nối, quảng bá và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đây là bước đi quan trọng để đưa sản phẩm OCOP gần hơn với người tiêu dùng. Người dân trong và ngoài tỉnh chỉ cần có smart phone là họ có thể vào truy cập các trang thương mại điện tử để chọn mua sản phẩm với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo. Như thế, mới giúp nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng nguồn thu nhập”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết thêm. 
 
Bài ảnh: H.P
 

.