Doanh nghiệp vận tải: Phấn khởi khi được giảm phí

03:10, 27/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành quy định miễn, giảm các loại phí trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Đây là tín hiệu vui để các doanh nghiệp (DN) vận tải có thêm động lực  khôi phục hoạt động kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch Covid-19. 
[links()]
 
Giảm nhiều loại phí   
 
Việc giảm các loại phí đối với phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng. Theo đó, từ ngày 10/8 - 31/12/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe chở hàng hóa của DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm phí sử dụng đường bộ. Đây là quy định tại Thông tư 74, 112, 47 và mới nhất là Thông tư 70/2021, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021. Cụ thể, thời gian giảm phí tương ứng với 16 tháng và 20 ngày, với mức giảm 10% đối với xe tải, 30% đối với nhóm xe kinh doanh vận tải hành khách.
 
Chính sách giảm các loại phí giúp doanh nghiệp vận tải vơi bớt khó khăn.
Chính sách giảm các loại phí giúp doanh nghiệp vận tải vơi bớt khó khăn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Quảng Ngãi 76-01S, cách tính để giảm phí sẽ là 1 tháng nhân với 10% và nhân với (16+2/3) tháng sẽ ra số tiền được hưởng và xe khách là nhân 30%. Theo đó, có 8 nhóm xe với các mức phí giảm tương ứng thấp nhất 130 nghìn đồng/tháng và cao nhất là 1,43 triệu đồng/tháng. Đối với phương tiện giảm phí được chia làm 3 mốc thời gian, từ ngày 10/8 - 31/12/2021, 1/1 - 30/6/2021, 1/7 - 31/12/2021. Do đó, các trường hợp phương tiện đăng kiểm và nộp phí trước các mốc thời gian trên chưa được giảm phí, thì kỳ đăng kiểm tiếp theo sẽ được bù trừ giảm phí 16 tháng và 2/3 tháng. Việc giảm phí được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện.
 
Tiếp sức cho doanh nghiệp 
 
Nhiều tháng qua, gần 40 xe khách của Công ty TNHH Chín Nghĩa gần như nằm tại bến, ngoại trừ đợt vận chuyển miễn phí công dân từ các tỉnh, thành phố phía nam về quê và đưa đoàn y, bác sĩ của tỉnh vào phía nam hỗ trợ các tỉnh, thành phố chống dịch. Thế nên, ngoài chi phí bảo trì phương tiện, DN còn phải tốn thêm nhiều loại phí như đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ. “Trong khi phương tiện ngừng hoạt động do dịch bệnh, nhưng vẫn phải đóng phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng.  Do đó, việc Bộ Tài chính có chính sách miễn, giảm phí là phù hợp, giúp DN vơi bớt phần nào khó khăn để bù đắp vào các chi phí khác. Đây cũng là hoạt động tiếp sức để DN phục hồi hoạt động”, Giám đốc Công ty TNHH Chín Nghĩa Nguyễn Nghĩa cho biết.
 
Không riêng gì Công ty TNHH Chín Nghĩa, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cũng vui mừng khi được giảm một phần chi phí phải trả, nhất là các hộ kinh doanh vận tải cá thể. Một hộ kinh doanh có 4 xe ôtô cho thuê chở khách cho biết, phần lớn vốn đầu tư 4 chiếc xe để kinh doanh dịch vụ là vay từ ngân hàng, từ khi dịch bùng phát xe dừng hoạt động nhưng tháng nào cũng trả lãi ngân hàng trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải lo thêm chi phí đăng kiểm, bảo trì... thế nên được Nhà nước giảm tiền phí bảo trì sẽ giảm bớt nỗi lo.
 
Các DN kinh doanh taxi cũng rất phấn khởi khi được giảm phí. Chủ một đơn vị kinh doanh xe taxi cho biết, hơn 70 phương tiện ô tô dừng hoạt động do dịch Covid-19 nên công ty gặp nhiều khó khăn, người lao động bị giảm thu nhập. Theo chính sách mới được áp dụng, mỗi phương tiện được giảm 30% phí sử dụng đường bộ đến hết năm 2021, tính ra mỗi phương tiện được giảm 340 nghìn đồng. Số tiền được giảm đối với 70 phương tiện là không hề nhỏ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Chính sách này góp phần động viên DN phục hồi, phát triển kinh tế theo chủ trương mới của Chính phủ. 
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.