Hợp tác thương mại: Cơ hội và thách thức

09:05, 03/05/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021, đánh dấu mốc quan trọng về hợp tác thương mại quốc tế, khi hàng loạt các hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương có hiệu lực. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức cho các DN nếu muốn hội nhập, phát triển.
[links()]
Cơ hội cho doanh nghiệp
 
Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Alibaba.com (một trong những nền tảng hàng đầu về thương mại điện tử toàn cầu) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với chủ đề "Chúng tôi chọn tăng tốc". Alibaba.com đã đưa ra các cam kết và hỗ trợ kỹ thuật tập trung cho hai đối tượng chính là các tổ chức xúc tiến thương mại và các DN nhỏ và vừa Việt Nam, về chuyển đổi số. Sau khi hoàn thành việc ký kết, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai đến các tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ngãi, để cụ thể hóa các nội dung này. 
Sản phẩm chuối Nam Mỹ của Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 (TX.Đức Phổ) đã được xuất khẩu.
Sản phẩm chuối Nam Mỹ của Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 (TX.Đức Phổ) đã được xuất khẩu.
Theo Sở Công thương, việc chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu là lựa chọn để hội nhập, tồn tại và phát triển. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết vào năm 2020 với Liên minh Châu Âu (EVFTA), khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP) và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở ra cơ hội lớn cho các DN trong lĩnh vực chuyển đổi số để “xuất khẩu trực tuyến”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến. Vì thế, Quảng Ngãi sẽ triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn; phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động cụ thể, nhằm đồng hành hiệu quả nhất với các DN. Sở Công thương sẽ làm cầu nối hỗ trợ DN bán hàng thành công trên Alibaba.com, hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững thông qua xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
 
Các DN của Quảng Ngãi đang đứng trước những thuận lợi lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu, với tư cách là một đối tác bình đẳng, theo mức thuế ưu đãi, thậm chí là 0%, với 56 đối tác theo hiệp định FTA. Ðây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm việc làm, góp phần tăng cường ổn định kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vì thế, các DN Quảng Ngãi hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cần sẵn sàng chủ động vượt thách thức, nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển. 
 
Liên kết để phát triển
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com thành công, từ cuối năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com đã phối hợp, triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho DN, nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối DN với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình.
 
Hiện tại, điểm mạnh của các DN là năng lực sản xuất ngày càng được cải thiện về chất lượng, số lượng, sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã có mức tăng trưởng ấn tượng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, dăm gỗ, tinh bột mì, thủy sản, may mặc... Khi được cung cấp các dịch vụ và giải pháp trực tuyến phù hợp và hiệu quả, việc xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả.
 
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với các địa phương, DN của Quảng Ngãi. Hàng loạt các đàm phán FTA thế hệ mới tạo ra những bước ngoặt trong liên kết kinh tế ở hầu khắp các khu vực. Hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay đòi hỏi đổi mới tư duy, chuyển từ "mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế" sang "chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác". Các mối quan hệ kinh tế quốc tế không đơn thuần là hội nhập, mà là liên kết phát triển.
 
Bài, ảnh: Thanh Nhị
 
 

.