Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Chưa phù hợp với thực tiễn

03:04, 09/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong những lĩnh vực được ưu tiên vốn đầu tư, song việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) vẫn còn rất khiêm tốn. Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn còn khá xa...
[links()]
Chính sách có nhưng khó thực thi
 
Với mục tiêu hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Theo đó, có nhiều chính sách ưu đãi như: Vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; vay từ 70 - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNC. 
Dù có nhiều ưu đãi, nhưng doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng  công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng.
Dù có nhiều ưu đãi, nhưng doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành khoảng 100 nghìn tỷ đồng để cho vay, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tối đa chỉ còn 4,5%/năm (mức thấp nhất từ trước tới nay). Bên cạnh đó, tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP (được thay thế bằng Nghị định 116), Chính phủ đã quy định cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến khách hàng không trả được nợ vay đúng hạn.
 
Sau nhiều năm, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn khoảng 22.900 tỷ đồng, chiếm 44,4% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng CNC chỉ khoảng 63 tỷ đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ, so với cuối năm 2019 giảm 8,7%.
 
Lý giải về điều này, đại diện các ngân hàng cho rằng, ngân hàng cũng là DN huy động vốn trong dân để cho vay, vì vậy, nếu dự án không khả thi chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay. “Có nhiều hợp tác xã tìm đến ngân hàng và nêu chính sách của Nhà nước là họ được vay tín chấp. Thế nhưng, đây là chính sách không khả thi. Bởi một khi đã không tín chấp, thì ngân hàng sẽ khó thu hồi nợ”, giám đốc một ngân hàng chia sẻ.
 
Cần chính sách phù hợp hơn
 
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC hiệu quả để có thể nhận nguồn vốn ưu đãi.
 
Theo Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công, thời gian qua, Agribank Quảng Ngãi đã thẩm định và giải ngân cho 3 DN đầu tư vào nông nghiệp CNC, với tổng dư nợ hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, một dự án đầu tư trồng nấm ngoài tỉnh dư nợ khoảng 54 tỷ đồng. Riêng DN đầu tư làm nông nghiệp CNC tại tỉnh chỉ dư nợ hơn 6 tỷ đồng. Song, để ngân hàng cho vay, trước hết DN phải có phương án đầu ra cho sản phẩm, nhưng đây là khâu mà các DN đang gặp khó.
 
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Một số DN nguồn lực tài chính không được tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí nông nghiệp CNC theo quy định... Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp hơn, như dành riêng một nguồn vốn với lãi suất thấp để ủy thác cho vay...
 
 Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.