Phụ nữ Lý Sơn liên kết làm nông nghiệp

03:04, 13/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm giúp phụ nữ khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Lý Sơn đã liên kết thành lập “Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn” (Tổ hợp tác) góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
[links()]
Thay đổi tập quán sản xuất
 
Tham gia vào Tổ hợp tác, gia đình chị Trương Thị Nga đã mạnh dạn chuyển đổi 1 sào đất trồng tỏi sang trồng một số cây rau màu như cà tím, cải, rau muống... Chị Nga chia sẻ: Trồng rau an toàn tốn công chăm sóc hơn, nhưng sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Rau làm ra đã có các chị trong tổ đến thu mua theo giá thị trường, nên mình không phải tốn công đem đến chợ bán. Tính ra 1 sào cũng kiếm được 4 triệu đồng/tháng. 
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác.
Không riêng gì chị Nga, mà từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, chị Bùi Thị Bông đã có thu nhập thường xuyên từ việc bán rau. “Từ năm 2020 đến nay, giá hành tỏi liên tục giảm, nên người trồng thua lỗ, việc làm thuê cũng ít, khiến nhiều người không có thu nhập. Cũng nhờ liên kết với các chị em trong Tổ hợp tác trồng rau mà sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt hơn, gia đình cũng có tiền trang trải chi phí hằng ngày”, chị Bông bày tỏ.
 
Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh rau an toàn được thành lập năm 2020, với 11 thành viên là hội viên phụ nữ trong chi hội. Những ngày đầu thành lập, Tổ hợp tác gặp không ít khó khăn do các thành viên đã quen với tập quán sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, nhờ cần cù, chịu khó, cùng sự đoàn kết, các thành viên thường xuyên trao đổi, thảo luận để tìm ra các loại rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm rau, củ quả an toàn như cải các loại, xà lách, mướp, dưa leo, bí, bầu, cà tím...
 
Để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ, các thành viên trong Tổ hợp tác đã phân công nhiệm vụ cho một đội chuyên sản xuất (gồm 7 chị) và một đội chuyên thu mua (gồm 4 chị), sau đó mang đến quầy hàng ở chợ bán. Riêng những khách đặt hàng qua điện thoại cũng được thành viên trong đội kinh doanh ship hàng đến tận nhà. Toàn bộ sản phẩm được các chị gói ghém vào bao giấy thân thiện với môi trường. Doanh thu bán hàng sau khi trừ các khoản chi phí sẽ chia đều cho các thành viên, với mức dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/chị/ngày.
 
Hướng đến xây dựng nhãn hiệu
 
Nếu như trước đây, phần lớn các loại thực phẩm là rau củ quả đều được chuyển từ đất liền ra đảo với giá cao gấp đôi, gấp ba, thì những năm gần đây, người dân trên đảo cũng đã tăng cường sản xuất rau xanh, phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của gia đình và bán ra thị trường.
 
Tổ trưởng Tổ hợp tác Dương Thị Thu cho biết: Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện về giống, điểm bán hàng ở chợ, Tổ hợp tác đã có cơ sở ban đầu để sản xuất và kinh doanh. Quá trình trồng và chăm sóc được các thành viên trong tổ kiểm soát chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn rau an toàn. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Sắp tới, Tổ hợp tác sẽ kết nối với các trường mầm non trong huyện để cung cấp nguồn rau an toàn cho các cháu.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Lý Sơn Trần Thị Thanh Tuyền, mô hình Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn không chỉ tạo điều kiện cho chị em hội viên đoàn kết, giúp nhau trong phát triển kinh tế, mà còn thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân, chuyển dần sang phương thức sản xuất an toàn. Sắp tới, hội sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho Tổ hợp tác, đồng thời nhân rộng mô hình để có nhiều chị em hội viên cùng tham gia.
 
Việc Hội LHPN huyện Lý Sơn hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ (theo Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ) bước đầu đã đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ, giúp hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.