Nhiều cơ sở kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc

09:04, 15/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thậm chí là hàng giả, hàng nhái... nhưng mãi đến khi bị các ngành chức năng “tuýt còi”, nhiều người trẻ bán hàng online mới biết mình đã phạm luật.
[links()]
Thu hút đến 75.000 lượt theo dõi trên trang Facebook, “Phúc Vinh Quảng Ngãi” là địa chỉ thường xuyên đăng tải các bài viết, video rao bán các sản phẩm giày dép, quần áo, đồ da dụng. Trong khi phát video, chị Đ.T.V (1994), ở xã Bình Đông (Bình Sơn) liên tục khẳng định đây là “hàng chính hãng” từ các thương hiệu lớn như Adidas, Nike... Song, tất cả những sản phẩm này lại được bán với giá dao động từ 100 - 200 nghìn đồng/đôi, thấp hơn nhiều so với giá niêm yết của nhà sản xuất, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, thắc mắc. 
Sản phẩm “nhái” các thương hiệu quốc tế đang được nhiều chủ cơ sở tại Quảng Ngãi bày bán tràn lan trên mạng xã hội.
Sản phẩm “nhái” các thương hiệu quốc tế đang được nhiều chủ cơ sở tại Quảng Ngãi bày bán tràn lan trên mạng xã hội.
Tại “Trinh Nguyễn Boutique” - trang Facebook bán hàng của chị N.T.T (1999), ở  xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), các túi xách với logo của thương hiệu Chanel được chủ trang Facebook này niêm yết với giá chỉ từ 99 - 119 nghìn đồng; còn kính thời trang với hộp đựng in logo của thương hiệu Gucci, được chủ cơ sở rao bán với giá 139 nghìn đồng. “Các sản phẩm này bày bán rất nhiều trên Shopee, Lazada... Vì vậy, mỗi lần cần đặt hàng, tôi chỉ việc lên các trang ấy để chọn hàng là sẽ được giao hàng về tận nhà. Rồi người ta đăng quảng cáo thế nào, thì tôi cứ học theo rồi đăng trên trang Facebook của mình như vậy, để bán cho chạy hàng”, chị T cho hay.
 
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Trần Xuân Thương cho biết: Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được đơn vị theo dõi, quản lý và tiến hành xử phạt khi xảy ra các vi phạm. Từ cuối năm 2020 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật khi kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội. Tại các đợt kiểm tra, hầu hết chủ các cơ sở kinh doanh online đều không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Riêng đối với cơ sở “Phúc Vinh Quảng Ngãi”, sau khi bị Cục Quản lý thị trường tỉnh “tuýt còi”, xử phạt vào cuối năm 2020; đến tháng 3.2021, khi kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định đối với 400 đôi giày các loại, 100 máy sấy tóc, 40 ấm nấu nước, 32 hộp dao mà chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
 
“Căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư... thì dù chỉ bán hàng trên website dịch vụ thương mại điện tử, chủ cơ sở cũng phải đăng ký kinh doanh. Riêng hàng hóa bày bán, phải có nhãn mác và có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, khi kiểm tra, rà soát, hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh đều không nắm rõ và không tuân thủ những quy định này. Vì vậy, để việc mua bán trên mạng đi vào nền nếp, các chủ thể kinh doanh phải tìm hiểu kĩ quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình và nghiêm túc chấp hành”, ông Thương khuyến nghị.
Phạt cao nhất 100 triệu đồng
 
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, từ ngày 15.10.2020, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng, nếu hàng hóa là thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, các chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 
 

.