Tái cơ cấu nông nghiệp: Tăng cường liên kết "sáu nhà"

02:03, 11/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững (Đề án) vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó, vấn đề liên kết giữa "sáu nhà" (nhà khoa học, nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà phân phối và ngân hàng) còn lỏng lẻo...
[links()]
Rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện Đề án chính là vấn đề dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gặp khó khăn, nên diện tích thực hiện còn thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, lĩnh vực hoạt động chưa đa dạng. Chăn nuôi tập trung, trang trại đã hình thành, phát triển, nhưng phương thức còn nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng nông sản chưa cao; khâu chế biến mới dừng lại ở bước sơ chế; việc xây dựng thương hiệu hàng hóa chưa được đẩy mạnh... 
Liên kết
Liên kết "6 nhà" là giải pháp tháo gỡ nút thắt về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập.
Một trong những nút thắt trong vấn đề tăng thu nhập cho nông dân, chính là đầu ra của nông sản. Để gỡ nút thắt trên, cần phải mở rộng quy mô và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, nhằm đưa sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài nước. Nhưng việc này nông dân không làm được, trong khi các doanh nghiệp (DN) lại ngại đầu tư, vì điệp khúc “vốn lớn, rủi ro cao, lợi nhuận thấp”. Vì vậy, một trong những mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. 
 
Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng chiến lược phát huy thế mạnh sản phẩm từng địa phương; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp... “Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh mối liên kết, hợp tác “sáu nhà”. Trong đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, hay khu vực sản xuất nông sản tập trung, cũng như đổi mới về cơ chế và chính sách”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết.
 
Hiện nay, nhiều chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cản trở đối tượng thụ hưởng, nên cần phải điều chỉnh và đổi mới. Như chính sách về đất đai, nên có cơ chế để nhân dân mạnh dạn tham gia tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Chính sách tín dụng cần phải thông thoáng về điều kiện, thủ tục, tạo thuận lợi để người dân, DN vay vốn, không nên làm khó khiến họ rơi vào cảnh “khát vốn” như hiện nay. 
 
Với nhà khoa học, cần chính sách đặc thù, khuyến khích họ nghiên cứu, chuyển giao và “hiện thực hóa” nhiều đề tài nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Với DN, đặc biệt là đầu tư tư nhân đóng vai trò chính để hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nên phải có cơ chế ưu đãi đủ mạnh, cả về nguồn vốn lẫn hạ tầng.
 
Để thực hiện có hiệu quả Đề án trong giai đoạn mới, ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển giống cây, con năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, chuyên canh gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị... góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh đối với các loại nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản của các địa phương khác... Cùng với đó là rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, nhằm tạo môi trường, động lực đầu tư và sản xuất.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.