Thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi: Ưu tiên ngành công nghiệp sạch và công nghiệp hỗ trợ

09:01, 02/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tổ chức các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn; tăng cường xúc tiến đầu tư "tại chỗ". Tranh thủ các điều kiện thuận lợi từ bối cảnh tình hình thế giới để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, ưu tiên đối với lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ''xanh'', hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đó là những định hướng lớn trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi trong 5 năm đến.
[links()]
Những kết quả
 
Trong giai đoạn từ năm 2016- 2020, toàn tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 524 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 173.683 tỷ đồng. Trong đó, có 362 dự án lĩnh vực dịch vụ (69,8%), 123 dự án lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (23%), 39 dự án lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản (7,5%).
 
Vốn thực hiện của các dự án ước đạt 60.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thu hồi 66 dự án có tổng vốn đầu tư 14.176 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 782 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 320.401 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 183.000 tỷ đồng (chiếm 57,1% vốn đăng ký đầu tư); có 337 dự án đã đi vào hoạt động. 
 
Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất là một thành công trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất là một thành công trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi.

 

Riêng đối với dự án FDI, Quảng Ngãi đã cấp giấy phép đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 900 triệu USD, gồm 36 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp và 5 dự án dịch vụ. Vốn thực hiện trong 5 năm qua đạt khoảng 750 triệu USD. Tỉnh cũng đã thu hồi 11 dự án/3,146 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 65 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 1,95 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 58,18% vốn đăng ký. Có 35/65 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai, 6 dự án đang tạm dừng.

 
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong công tác quảng bá, xúc tiến và kêu gọi đầu tư vào Quảng Ngãi. Cùng với đó, dựa vào tiềm năng, thế mạnh nổi bật và lợi thế so sánh của Quảng Ngãi trong khu vực, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh, nên đã thu hút được nhiều dự án, nhà đầu tư đến Quảng Ngãi, nhất là vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
 
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
 
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030, đứng trong nhóm địa phương phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
 
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cũng như thực hiện thắng lợi 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy hoạch đã phê duyệt, các dự án thu hút đầu tư trong thời gian qua.
 
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương đề xuất cụ thể danh mục dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; trong đó lưu ý dự án thu hút đầu tư phải phù hợp tình hình thực tiễn và định hướng phát triển của tỉnh.
 
Đối với Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trong quá trình rà soát, đề xuất danh mục dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn, cần chú trọng đến Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được tỉnh Quảng Ngãi đề ra trong giai đoạn 2021- 2025 là “Thực thi hiệu quả, hiệu lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng tự nhiên, năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính; cải thiện các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường và đào tạo lao động (trong bộ chỉ số PCI). 
 
Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để tạo điều kiện triển khai các dự án. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới và thực hiện có hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp”; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; kết nối ngân hàng. Triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng các lớp khởi sự, ươm mầm doanh nghiệp...
 
Bài, ảnh: MINH THẢO
 
 
 

.