Phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:
Liên kết, hành động và phát triển

03:11, 30/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong 2 ngày (27 - 28.11), tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc năm 2020, với chủ đề: “Liên kết, hành động và phát triển” và Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”.
[links()]
Dự các hoạt động trên có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch. Đối với tỉnh Quảng Ngãi có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tham dự. 
 
Liên kết mạnh mẽ hơn nữa
 
Phát biểu tại Hội nghị Du lịch toàn quốc năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phải tăng cường liên kết hơn nữa để phát triển ngành du lịch. Cùng nắm chặt tay cùng hành động. Du lịch phải hướng đến chất lượng, các cơ sở lưu trú cần đồng đều về chất lượng. "Chúng ta chưa chủ động tái cơ cấu thị trường. Dù lượng khách du lịch nội địa đã cao nhưng cần tập trung phát triển hơn nữa. Tạo điều kiện để người Việt Nam được hưởng thụ, trải nghiệm những sản phẩm du lịch mà trước đó ta chỉ chú trọng phục vụ du khách nước ngoài. Điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa, vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường. Và đảm bảo an toàn sức khỏe du khách", Phó Thủ tướng nói. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (bên trái) trao đổi định hướng phát triển du lịch của Quảng Ngãi với Chủ tịch Sun Group Dương Thế Bằng tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (bên trái) trao đổi định hướng phát triển du lịch của Quảng Ngãi với Chủ tịch Sun Group Dương Thế Bằng tại hội nghị.
 
Với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của các vùng.
 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Huỳnh Thị Phương Hoa chia sẻ: Qua diễn đàn, các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế của ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch.
 
Sự liên kết lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam khi gắn kết hai địa phương đầu tàu về kinh tế - văn hóa - xã hội - du lịch của phía Bắc và phía Nam với dải đất miền Trung, giúp doanh nghiệp du lịch của các địa phương khai thác hiệu quả các sản phẩm, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch liên vùng, thông qua đó thúc đẩy sự trao đổi thị trường khách giữa hai đầu đất nước với vùng biển miền Trung, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực khi thị trường du lịch quốc tế mở cửa trở lại.
 
Trong khuôn khổ hoạt động liên kết phát triển du lịch, 5 doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Quảng Ngãi đã tham gia sự kiện “Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch - Business Matching” cùng với gần 120 doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, khách sạn. Giám đốc Công ty DAIVIET Tour Phan Long cho hay: Dịp này, công ty chúng tôi tập trung quảng bá sản phẩm tour Lý Sơn tới thị trường TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, với mức giảm giá khoảng 10 - 15%.
 
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
 
Tại diễn đàn, Quảng Ngãi đã tham gia ký kết thỏa thuận liên kết, cùng nhau hành động để tập trung phát triển du lịch trong thời gian đến, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhiệm kỳ 2021 - 2022. Mặc dù còn nhiều khó khăn về phát triển du lịch, với sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhưng đây là cơ hội rất lớn để Quảng Ngãi tập trung các giải pháp nhằm tạo đà cho ngành công nghiệp không khói ở địa phương phát triển, từng bước sánh kịp với các tỉnh lân cận.  
Đại diện các tỉnh, thành tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch.
Đại diện các tỉnh, thành tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch.
Trong nhiệm kỳ đến, Quảng Ngãi tiếp tục phát triển du lịch và xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn. So với các địa phương trong khu vực, thì Quảng Ngãi là tỉnh phát triển du lịch còn chậm. Điều này thể hiện ở hai con số đó là, lượng khách đến với tỉnh và doanh thu du lịch hằng năm vẫn còn ở mức khiêm tốn. Quảng Ngãi xác định phát triển du lịch phải tạo điểm nhấn khác biệt, đó là phát triển du lịch biển đảo, trong đó lấy Lý Sơn là hạt nhân để lan tỏa, phát triển du lịch. 
 
Tham gia diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết: Ngay sau các sự kiện lần này, Quảng Ngãi sẽ triển khai hành động một cách quyết liệt. Đây cũng là nội dung xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, trong đó xác định phát triển du lịch là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch biển đảo là chủ đạo.
 
"Để du lịch ngày càng phát triển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân chứ không phải riêng ngành nào. Trong đó, về ứng xử du lịch, con người Quảng Ngãi phải hướng đến văn minh, lịch sự, thân thiện, gần gũi, mến khách. Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển du lịch tại Quảng Ngãi”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
 
Nhiều lợi thế
 
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với tổng dân số hơn 6,3 triệu người. Vùng có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch. Trong đó, tiềm năng du lịch biển đảo được xem là thế mạnh với chuỗi bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp của thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản rất lớn (3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam)...

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
             

.