Kiểm soát chất lượng tôm giống

04:09, 09/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Diện tích nuôi tôm lớn, nhưng năng lực cung cấp con giống trên địa bàn tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu, nên không đáp ứng nhu cầu của người nuôi tôm trong tỉnh. Vì vậy, người dân phải nhập giống từ các tỉnh khác thông qua nhiều kênh trung gian, ngành chức năng không thể kiểm soát được, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh trên con tôm.
Dự án sản xuất tôm giống phá sản
 
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), cách đây hơn chục năm, Quảng Ngãi đã quy hoạch vùng sản xuất tôm giống 20ha ở xã Đức Phong (Mộ Đức), với mục tiêu phát triển nguồn giống thủy sản nước lợ này. Tỉnh cũng kêu gọi các đơn vị về tỉnh đầu tư sản xuất tôm giống thẻ chân trắng; thậm chí còn có dự án đưa con giống từ nước ngoài về để nhân giống. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất tôm giống, cũng như nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực này đều phá sản. 
 
Người nuôi tôm trong tỉnh hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tôm giống ngoài tỉnh.
Người nuôi tôm trong tỉnh hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tôm giống ngoài tỉnh.
Lý giải về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho rằng: Sở dĩ Quảng Ngãi không thể sản xuất tôm giống được là do vùng sản xuất tôm giống và sản xuất tôm thương phẩm nằm gần nhau, nên nguồn nước bị ô nhiễm, dẫn đến tôm chết.
 
Dù đã có định hướng phát triển nguồn giống thủy sản nước lợ, nhưng sau nhiều lần thất bại, diện tích 20ha quy hoạch để sản xuất tôm giống hiện không còn. Bên cạnh đó, xét thấy việc đầu tư sản xuất tôm giống trong tỉnh không khả thi, nên ngành thủy sản không đưa vào kế hoạch sản xuất tôm giống. Điều này đồng nghĩa với việc, người nuôi tôm trong tỉnh phải đi tìm nguồn giống từ các tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... bằng "niềm tin và kinh nghiệm tự có".
 
Cần kiểm soát nguồn giống
 
Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh có 834ha nuôi tôm thẻ chân trắng (diện tích cộng dồn 3 vụ). Để đáp ứng đủ nguồn giống thả nuôi, trung bình mỗi năm, Quảng Ngãi cần khoảng 1,5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trên địa bản tỉnh hiện chỉ có hai trại cung cấp con giống. Song, các trại này chưa thể mang giống bố mẹ về để cho sinh sản nhân tạo tại chỗ, mà chỉ lấy con nauplius hoặc post từ các tỉnh khác về ương dưỡng thành con giống đủ ngày tuổi cung cấp ra thị trường. Chính vì vậy, số lượng con giống do các trại này cung cấp không nhiều.
 
Những năm gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn con giống. Họ thường chọn mua con giống từ các công ty lớn như Việt Úc, CP... Mặc dù giá tôm giống của các công ty cao, nhưng có giấy chứng nhận chất lượng con giống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chọn mua giống trôi nổi ngoài thị trường. Anh Lê Cao, xã Bình Chánh (Bình Sơn) chia sẻ: Từ trước đến nay, mỗi lần vào vụ tôm mới, chúng tôi phải vào tận các trại giống ở các tỉnh phía Nam để tìm giống tốt. Bởi con giống là một trong những yếu tố quyết định thành công của nghề nuôi tôm.
 
Mặc dù những quy định về quản lý chất lượng tôm giống đã có, nhưng trên thực tế, việc thực hiện những quy định còn nhiều bất cập. Qua thanh tra tại một số địa phương, đoàn thanh tra của Bộ NN&PTNT đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ không đủ điều kiện, nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Bên cạnh đó, có tình trạng sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng cho sinh sản; giống tôm nước lợ chưa kiểm dịch vẫn được vận chuyển, lưu thông trên thị trường; sử dụng nhãn, bao bì giả...
 
Để đảm bảo nguồn tôm giống có chất lượng đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu thả nuôi và bảo vệ quyền lợi cho người dân, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát giống tôm nước lợ, đảm bảo chất lượng nguồn giống trước khi thả nuôi.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.