Phát triển bền vững: Chặng đường còn lắm gian nan (Kỳ 1)

02:06, 18/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện cụ thể trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Quảng Ngãi nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong các năm qua và những phát sinh từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, chặng đường phát triển bền vững của Quảng Ngãi còn lắm gian nan.
 
Kỳ 1: Niềm vui chưa trọn      
 
Đưa công nghiệp về nông thôn, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp, gắn với đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới... là những giải pháp quan trọng góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc đô thị hóa nông thôn quá nhanh, cũng để lại những hệ lụy đáng lo ngại...
Diện mạo nông thôn, miền núi nhiều khởi sắc
 
Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010 - 2020; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... diện mạo nông thôn, miền núi ở Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc. Tổng kinh phí xây dựng NTM, giai đoạn 2016 - 2019 ở tỉnh ta trên 9.270 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đạt gần 28 triệu đồng/người/năm, giảm hơn 23.800 hộ nghèo.  
Một số khu tái định cư ở các huyện miền núi vắng bóng người ở, do không phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.                 Ảnh: Lê Đức
Một số khu tái định cư ở các huyện miền núi vắng bóng người ở, do không phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lê Đức
Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng từ 7,2 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 9,36 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Ước đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 6,17%, trong đó miền núi còn 20,52%, đồng bằng còn 3,01%. Nhiều thiết chế văn hóa được phục dựng và phát huy, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân; nhiều tập tục lạc hậu ở miền núi dần được xóa bỏ; có gần 89% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. 
 
Điều đáng mừng là, phương thức sản xuất của nông dân đã được thay đổi đáng kể thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham quan các mô hình sản xuất ở trong nước và các nước Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc... Tại huyện Ba Tơ, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" triển khai khá hiệu quả, với 8 dự án chăn nuôi và có 67 hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng. Còn huyện Minh Long thì làm tốt công tác vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động, với 138 người; đào tạo nghề cho 621 lao động và có 370 hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ trên 21 tỷ đồng. 
 
Đến nay, toàn tỉnh có 82.042 hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp; đã dồn điền đổi thửa hơn 6.470 ha, xây dựng 180 cánh đồng lớn (gần 3.000 ha); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn trồng lúa từ 11 triệu đồng - 133 triệu đồng/ha; có 34 trang trại đạt tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ NN&PTNT. Đời sống của ngư dân cũng được nâng lên, nên đã đầu tư đóng mới nhiều tàu đánh bắt xa bờ.
"Việc xây dựng, tìm kiếm và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tạo ra giá trị, thu nhập cao ở nông thôn, miền núi còn ít. Thực hiện Đề án đưa nông dân đi nghiên cứu, học tập ở trong và ngoài nước chưa sát với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, chậm đánh giá kết quả thực hiện... Vấn đề xử lý tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa... chưa được một số cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức".
 
 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh
BÙI THỊ QUỲNH VÂN
Còn đó những nỗi lo...
 
Xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững ở miền núi là giải pháp thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu trên ở Quảng Ngãi chưa thật sự bền vững. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,82%/năm, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (chỉ tiêu giảm 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo, nên công tác giảm còn gặp nhiều khó khăn... Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhận định: Công tác giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn còn triển khai theo phương thức "phổ biến nghề", chưa làm tốt công tác trang bị kỹ năng nghề nghiệp; công tác liên kết trong đào tạo nghề gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... còn nhiều hạn chế. 
 
Bên cạnh đó, khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, miền ngày càng gia tăng. Sự giàu có “đột biến” của một bộ phận người dân nông thôn, miền núi không đến từ thành quả trong lao động sản xuất, mà là nhờ tiền đền bù, thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho các dự án khu dân cư, khu đô thị hay xây dựng các công trình... Một bộ phận người dân trong vùng dự án được nhận vào làm việc tại các nhà máy trong cụm công nghiệp, KCN, KKT chỉ khoảng 10%, nhưng do chưa được đào tạo bài bản nên thu nhập không cao... 
Đời sống của một bộ phận nông dân còn vẫn chật vật, vì điệp khúc sản phẩm
Đời sống của một bộ phận nông dân còn vẫn chật vật, vì điệp khúc sản phẩm "được mùa rớt giá".
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, hệ lụy của việc đô thị hóa quá nhanh đã làm ô nhiễm môi trường, do rác thải sinh hoạt và nước thải từ các cơ sở sản xuất; cạn kiệt mạch nước ngầm và xuất hiện nhiều loại tội phạm... “Những năm gần đây, tệ nạn buôn bán và tiêm chích ma túy, nhiễm HIV, cờ bạc... xuất hiện ở khu vực nông thôn, miền núi ngày càng nhiều, đòi hỏi lực lượng công an phải tăng cường công tác điều tra và xử lý”, ông Trần Văn Hậu, ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) trăn trở. Đây cũng là nỗi lo của nhiều người dân ở nông thôn và miền núi trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh mới có 43% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.
 
Còn người dân xã Đức Phong (Mộ Đức) thì lo lắng khi số người mắc bệnh ung thư ở địa phương ngày càng tăng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đặt câu hỏi: Phải chăng do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, hay do người dân sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất... Thực trạng này, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) Phùng Bá Vương chia sẻ: Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường, nên xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường... 
 
Tình trạng làng quê xuất hiện ngày càng nhiều "khối bê tông" và thưa dần những mảng cây xanh trong vườn nhà, lối đi; một bộ phận giới trẻ bị tác động bởi lối sống "tây hóa"... cũng đang là vấn đề rất đáng lo ngại. “Nhà ở vùng nông thôn, miền núi không chỉ là chỗ ở của người dân, mà còn thể hiện nét văn hóa, nếp sống của người dân từng vùng miền, từng cộng đồng dân tộc... thông qua kiến trúc nhà ở, nhưng chúng ta chưa thật sự quan tâm đến yếu tố này, dẫn đến hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, nhưng không giữ được tiêu chí "xanh - sạch - đẹp - văn minh ”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng chia sẻ.
 
Theo ý kiến của một số chuyên gia quy hoạch, bản chất của đô thị hóa nông thôn không phải là "bê tông hóa" các khu thị tứ, thị trấn; xây dựng ngày càng nhiều nhà máy, xí nghiệp...; mà là tiến tới hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM; có đầy đủ tiện nghi xã hội; xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao và đưa cơ giới vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... 
Có trên 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới
 
Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 100 xã và 2 huyện (Nghĩa Hành, Tư Nghĩa) đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 16,5 vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Toàn tỉnh có 64 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp; thu hút được 54 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 26 dự án đi vào hoạt động.
P.DANH - M.HOA - L.ĐỨC
----------------------
Kỳ 2: Trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại - mục tiêu còn xa
 
 
 
 
 
 

.