Lao đao vì chuột phá lúa

10:02, 18/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các địa phương trong tỉnh hiện phải đối mặt với tình trạng chuột phá lúa trên diện rộng. Do đó, nhiều nông dân tìm đủ mọi cách để diệt chuột, nhằm cứu lúa. Tuy nhiên, để diệt chuột an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường, chính quyền và cơ quan chức năng cần khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân.
 
Thửa ruộng có diện tích chưa đến 2 sào của bà Nguyễn Thị Hương, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh (Đức Phổ), nhưng có đến 3 phương pháp diệt chuột. Bà Hương cho biết: “Đầu tiên tôi dùng lon sữa đã qua sử dụng, rồi buộc vào dây kẽm, để khi có gió, chuột nghe tiếng động sẽ sợ mà bỏ đi, nhưng không ăn thua. Tiếp đó, tôi mua lưới nilon về giăng, nhưng cũng bị chuột cắn phá. Cuối cùng, tôi phải mua bả sinh học để diệt chuột. Năm nay, chuột phát triển nhanh, nên cắn phá lúa dữ dội, khó đối phó được”. 
 
Để phòng ngừa chuột phá lúa, bà Nguyễn Thị Thu, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) thường xuyên thăm đồng.
Để phòng ngừa chuột phá lúa, bà Nguyễn Thị Thu, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) thường xuyên thăm đồng.
 
Lội vào giữa đám ruộng, dùng tay nhổ những gốc lúa non bị chuột cắn phá, bà Nguyễn Thị Thu, thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho biết: “Gia đình tôi sạ được 8 sào lúa, phần lớn đã bị chuột cắn phá. Lúa gần 2 tháng tuổi, không lẽ giờ phá bỏ rồi sạ lại? Riêng tiền mua bả diệt chuột, tiền lưới nilon đã hết gần 3 triệu đồng. Với số tiền bỏ ra như vậy, vụ này chắc chắn là mất trắng”.
 
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với sản xuất, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân diệt chuột bằng các phương pháp thủ công như đào bắt, hoặc dùng bẫy cơ học... Trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Broma 0,005AB, Storm 0,005%, RacuminTP 0,75... và tuân theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thế Vĩnh nhấn mạnh: “Nông dân không nên diệt chuột bằng biện pháp giăng điện, kích điện, vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cùng với đó là không sử dụng bả bằng thuốc hóa học trong khu dân cư, dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước. Thời tiết thuận lợi như hiện nay, chuột sẽ phát triển, sinh sản mạnh trong thời gian đến. Do đó, bà con cần lưu ý phòng chống và diệt cho đúng phương pháp, hiệu quả”.
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.767ha lúa đông xuân bị chuột gây hại; trong đó, mức độ nhẹ là 1.023ha, mức độ trung bình là 555ha và mức độ nặng là 189ha. Các địa phương thiệt hại nặng là TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn, Mộ Đức. So với năm trước, năm nay diện tích lúa bị chuột cắn phá tăng hơn 100ha. Nguyên nhân chuột bùng phát đột biến là do cuối năm 2019 không xuất hiện đợt lũ lớn nào.
 
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 

.