Dịch bệnh lở mồm long móng đã được kiểm soát

05:02, 19/02/2020
.
Ông Ngô Hữu Hạ.
Ông Ngô Hữu Hạ.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ tại buổi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về công tác ứng phó với dịch lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn tỉnh vào sáng 18.2.
PV: Xin ông cho biết, tình hình dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc hiện nay?
 
Ông Ngô Hữu Hạ: Dịch bệnh LMLM xuất hiện từ cuối tháng 1.2020 tại huyện Bình Sơn, Đức Phổ và lây lan, bùng phát từ giữa tháng 2. Đến thời điểm này, đã có 2.900 con gia súc (trong đó có 10 con heo) ở 68 xã thuộc TP.Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và 4 huyện, gồm: Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức mắc bệnh LMLM. Đến sáng 18.2, đã có 87 con chết, 2.239 con được chữa khỏi bệnh và 27 xã có gia súc hết triệu chứng bệnh LMLM. Toàn tỉnh hiện còn 634 con gia súc còn triệu chứng bệnh LMLM.
 
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh LMLM là do điều kiện thời tiết bất lợi, cộng với việc người dân tăng đàn gia súc nhanh (do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi), nhưng lại mua con giống trôi nổi, chưa được tiêm phòng. Riêng huyện Bình Sơn, tỷ lệ trâu, bò tăng đàn ước khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều con chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. Số lượng gia súc mắc bệnh LMLM trên địa bàn huyện Bình Sơn là 1.711con (chiếm 59% tổng gia súc mắc bệnh LMLM toàn tỉnh).
 
PV: Công tác ứng phó và kiểm soát dịch bệnh LMLM được thực hiện như thế nào, thưa ông?
 
Ông Ngô Hữu Hạ: Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh LMLM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó. Đó là, thành lập 3 đoàn công tác tham gia hỗ trợ các địa phương ứng phó với dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc. Đồng thời, Chi cục cũng xuất 19 nghìn liều vắc xin LMLM, 7.500 lít hóa chất; cùng với 20 nghìn liều vắc xin, 300 lít hóa chất dự trữ ở các địa phương, để tiêm phòng, tiêu độc khử trùng vùng dịch và bao vây vùng dịch, các khu vực nguy cơ cao... Chi cục cũng gửi mẫu xét nghiệm bệnh LMLM và được Chi cục Thú y Vùng 6 (TP.Hồ Chí Minh) xác định tuýp bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh là tuýp O (tuýp thông thường).
 
Chi cục cũng tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh, đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ 20 nghìn liều vắc xin tuýp O, tuýp A và 20 nghìn lít hóa chất. Ngay khi được hỗ trợ, Chi cục sẽ tiếp tục tiêm phòng cho đàn gia súc và tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ đàn gia súc (khoảng 280 nghìn con trâu, bò) ở TP.Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và 5 huyện đồng bằng. Riêng 5 huyện miền núi, thì vắc xin LMLM, tụ huyết trùng trâu, bò và dịch tả heo được hỗ trợ từ Chương trình 30a. Vì vậy, sau khi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục sẽ triển khai thực hiện đồng loạt công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi ở khu vực miền núi.
 
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra Chi cục Thú y vùng IV (Đà Nẵng), trong số 7 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch LMLM, thì Quảng Ngãi là địa phương kiểm soát và khống chế dịch bệnh LMLM rất tốt, qua việc chữa khỏi bệnh 2.239/2.900 con gia súc.  
Cán bộ thú y địa phương bôi thuốc cho bò bị bệnh tại xã Bình Dương (Bình Sơn).            ẢNH: HỒNG HOA
Cán bộ thú y địa phương bôi thuốc cho bò bị bệnh tại xã Bình Dương (Bình Sơn). ẢNH: HỒNG HOA
PV: Để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh LMLM, ông có khuyến cáo gì với người chăn nuôi?
 
Ông Ngô Hữu Hạ: Bệnh LMLM sẽ được chữa khỏi, nếu gia súc đã được tiêm phòng vắc xin và phát hiện, điều trị bệnh sớm. Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra gia súc, khi phát hiện gia súc có dấu hiệu bệnh LMLM cần báo ngay với cán bộ thú y địa phương, để được hỗ trợ và thực hiện các biện pháp chữa bệnh. Trong điều kiện thời tiết chuyển lạnh, người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông trâu, bò; tăng cường chăm sóc, vệ sinh và giữ ấm chuồng trại...
 
Bên cạnh đó, người chăn nuôi và chính quyền địa phương cần tăng cường thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin. Theo quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ tiến hành tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường và giám sát dịch bệnh ở các ổ dịch cũ, dọc tuyến quốc lộ, khu chăn nuôi tập trung... Còn lại các vùng “đệm” là do UBND các huyện, thành phố thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc ở một số địa phương đạt thấp, nhưng lại tăng đàn nhanh, nên nguy cơ xuất hiện và bùng phát các loại dịch bệnh cao.
 
THANH PHONG
 (thực hiện)
 
 
 
 
 

.