Các tổ chức tín dụng: Sẵn sàng hỗ trợ thiệt hại do dịch Covid-19

11:02, 15/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) , nhiều ngân hàng đã có động thái hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Giảm lãi suất cho vay
 
Một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng là VPBank, với việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ; các DN xuất khẩu hàng hoá hoặc nhập khẩu nguyên liệu chính từ Trung Quốc... 
 
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi.
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi.
 
Ngoài ra, HDBank cũng đã triển khai chính sách nhằm hỗ trợ các DN ngành y, dược và người dân, chung tay vì cộng đồng chống lại dịch bệnh, như miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các DN cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho các bệnh viện, sở y tế.
 
Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam cho biết: Hiện chưa thể đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bao nhiêu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, Agribank Quảng Ngãi đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát và nắm bắt các trường hợp khách hàng đã vay vốn tại Agribank thuộc các lĩnh vực du lịch, khách sạn, nông nghiệp... liên quan đến thị trường Trung Quốc để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét giảm lãi tiền vay; linh hoạt cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
 
Tương tự, từ ngày 11.2, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5% nhằm hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 gây ra, đó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn, cũng như giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu.
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với mức từ 1,5 - 2%/năm, thậm chí có ngân hàng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng vay để trồng các loại cây ăn trái.
 
Tạo điều kiện cho khách hàng đến giao dịch
 
Tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra vào đầu tháng 2 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Mỗi ngân hàng thương mại phải tự xây dựng một kịch bản đưa ra các giải pháp cụ thể không chỉ cho ngân hàng, DN và người dân ở đợt dịch này, mà còn là cho các diễn biến khác có khả năng xảy ra. Ngoài giảm lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực khác nếu có thể giảm được lãi suất, các ngân hàng thương mại nên cân đối giảm tiếp để hỗ trợ DN trong giai đoạn này”.
 
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc không được yêu cầu khách hàng bỏ khẩu trang theo quy định khi tới giao dịch cho tới khi thông báo hết dịch Covid-19. Đối với các giao dịch bắt buộc phải nhận diện khách hàng, nhân viên ngân hàng đề nghị khách hàng tháo bỏ khẩu trang để nhận diện. Sau khi hoàn tất thủ tục, khách hàng và nhân viên có thể tiếp tục đeo khẩu trang trong quá trình giao dịch.
 
Dịch bệnh Covid-19 được dự báo là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, DN, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp... dẫn đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng sẽ là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục tái sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế đưa ra cần phải bảo đảm, tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.