Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ hợp tác xã

03:10, 01/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong nền kinh tế thị trường, để chèo lái “con thuyền” hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đi đến thành công, thì người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, trình độ của đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp hiện nay còn thấp, nên cần được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả

Kể từ khi chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã hình thành và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ, HTX nấm Đức Nhuận, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà…
 Tuy mới thành lập nhưng HTX Nông nghiệp Cao Muôn, xã Ba Thành (Ba Tơ) đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Tuy mới thành lập nhưng HTX Nông nghiệp Cao Muôn, xã Ba Thành (Ba Tơ) đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX nông nghiệp trên danh nghĩa đã chuyển qua mô hình kiểu mới, nhưng nội dung hoạt động không thay đổi, dẫn đến kinh doanh bị thua lỗ. Tính đến cuối tháng 6.2019, toàn tỉnh có 185 HTX nông nghiệp, với 132.120 thành viên; trong đó, có 9 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể.

Theo kết quả đánh giá, phân loại hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Sở NN&PTNT, trong số 176 HTX nông nghiệp đang hoạt động, thì có 8 HTX xếp loại tốt (5%); 35 HTX khá (22%); 103 HTX trung bình (64%); 14 HTX yếu (9%); còn 16 HTX chưa phân loại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX hoạt động cầm chừng, trong đó nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 chưa có tính đột phá; môi trường hoạt động của HTX không thu hút được người giỏi, người trẻ...

Trong số khoảng 1.000 cán bộ HTX, hiện chỉ có 2 người có trình độ thạc sĩ (0,2%); cao đẳng và đại học 108 người (13%); trung cấp 215 người (24,8%); còn lại là sơ cấp và chưa qua đào tạo. Đó là chưa kể rất nhiều cán bộ HTX tuổi đã cao, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ của HTX nông nghiệp ít, tài sản chủ yếu của HTX nông nghiệp là công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng... được xây dựng từ những năm 1980, nay đã hư hỏng, xuống cấp.

Thành viên tham gia vào HTX phần lớn không đóng góp vốn điều lệ, mà chỉ quy đổi từ vốn tích lũy của HTX cũ thành vốn góp của thành viên khi đăng ký lại theo Luật HTX 2012. Do vậy, nhiều HTX không có vốn để đầu tư phát triển, lúng túng trong việc xác định nội dung hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cần nâng cao năng lực quản lý

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), trong bối cảnh hiện nay, để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả chỉ có kinh nghiệm không là chưa đủ, mà người cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn mới xây dựng được các phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Vì vậy, để nâng cao năng lực quản lý điều hành cho các HTX, Chi cục Phát triển nông thôn đã mở lớp đào tạo cho cán bộ các HTX có trình độ đại học dưới 45 tuổi. Chương trình giảng dạy do Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thực hiện.

Tuy nhiên, để công tác đào tạo cán bộ quản lý HTX hiệu quả, mỗi cán bộ phải nhận thức rõ những hạn chế của bản thân, mạnh dạn đề xuất những vấn đề thiết thực với cơ quan quản lý để có cơ sở đưa ra giải pháp, cũng như hoạch định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực cho các HTX. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý HTX cũng cần nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, từng bước khắc phục những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Về lâu dài, các HTX cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ kế cận bằng việc tạo điều kiện cho con em xã viên đi học và về làm việc tại các HTX. Có như vậy, kinh tế HTX mới có bước tiến mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.